Hiện nay vẫn còn rất nhiều phố phường Hà Nội giữ được tên cũ bắt đầu bằng chữ “Hàng”, một số ít giữ tên nghề. Đó là:
Phố Bát Đàn : dài 250m, nối phố Hàng Bồ với Phùng Hưng, ngang qua ngã tư Hàng Điếu – Hàng Gà, giáp với đầu phố Đường Thành, nay thuộc hai phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Nhân Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, hiện còn đình Nhân Nội (số nhà 33). Thời Pháp thuộc là phố Hàng Chén, trước chuyên bán bát đĩa, đồ gốm của làng Bát Tràng.
Phố Bát Sứ : khoảng 200m, từ Hàng Vải đến phố Bát Đàn, cắt ngang phố Hàng Phèn, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương; thời thuộc Pháp là phố Hàng Chén (bao gồm cả phố Hàng Đồng bây giờ). Trước chuyên bán đồ sứ, bát đĩa, cốc lọ…
Ngõ Hài Tượng (Hàng Giày): dài 160m, ở phố Tạ Hiện rẽ vào, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, vốn là nơi cư trú và hành nghề của thợ đóng giày dép da người làng Chắm – Phong Lâm, Tứ Kỳ - Hải Dương, thế kỷ 17 – 18, hiện còn đền thờ tổ nghề.
Phố Hàng Bạc : dài 280m, từ cuối phố Hàng Mắm chạy ngang qua ngã tư Tạ Hiện, Đinh Liệt đến giáp ranh hai phố Hàng Ngang, Hàng Đào, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất phường Đông Các, về sau là các thôn Đông Thọ, Dũng Hãn, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Nguyên đây là nơi cư trú của thợ Châu Khê (Hưng Yên), Đồng Sâm (Thái Bình), Định Công (Hà Nội) để hành nghề đúc bạc, làm kim hoàn và đổi tiền. Hiện còn di tích trường đúc bạc (số nhà 58), Trương đình (số nhà 50) và Kim Ngân đình (số nhà 42 Hàng Bạc). Thời thuộc Pháp có tên là phố những người đổi bạc (Rue des changeurs).
Phố Hàng Bài : dài 620m, từ Hồ Gươm (cuối phố Đinh Tiên Hoàng) đến ngã tư phố Huế - Hàm Long, cắt ngang các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, xưa là đất thôn Vũ Thạch, Hậu Lâu tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, nơi trước kia làm và bán các loại bài lá, tổ tôm, tam cúc; Thời thuộc Pháp bị đổi tên là đại lộ Đồng Khánh, nay lại trở về tên cổ Hàng Bài.
Phố Hàng Bồ : dài 270m, từ ngã tư Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc đến ngữa tư Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Bát Đàn, là đất thôn Xuân Hoa, Nhân Nội tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa có bán hàng đan bằng tre, nứa. Đoạn đầu phó trước kia còn gọi là phố Hàng Dép.
Phố Hàng Bông : dài 930m, từ ngã tư Hàng Trống, Hàng Hòm, Hàng Gai đến góc phố Đình Ngang, xưa là đất các thôn Kim Bát Thượng, Kim Bát Hạ, tổng Tiền Túc, Thượng Môn Đông Hạ, Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương. Xưa kia gồm phố Hàng Bông đệm, Hàng Bông lờ gộp lại. Nơi đấy bán các loại bông, chăn bông, đệm chủ yếu do người các làng ở Thanh Oai (Hà Tây) làm ra.
Phố Hàng Buồm : dài 300m, từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư Hàng Ngang, Hàng Đường, Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Giày, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Xưa đây là đất phường Hà Khẩu, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương. Ở đây có đền Bạch Mã (số nhà 76) thờ Long Đỗ, vị thành hoàng kinh thành Thăng Long. Cũng tại đây xưa có chợ Bạch Mã và bến sông Tô, chuyên bán các loại vỉ buồm bằng cói, bằng vải.
Phố Hàng Bút : dài khoảng 70m, từ phố Thuốc Bắc đến phố Bát Sứ, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, có tên là phố Hàng Mụn, chỉ có một đoạn ngắn giáp phố Hàng Bồ mới gọi là Hàng Bút. Trước kia, đây là nơi những anh khóa, thầy đồ, bác cửa, cậu tú…thường lui tới chọn giấy bút để thi thố tài năng trên “trận bút trường văn”. Thời Pháp thuộc vẫn giữ nguyên tên Hàng Bút (Rue Companère)
Phố Hàng Chỉ: dài 65m, từ phố Tô Tịch đến phố Hàng Hòm, nay thuộc phường Hàng Gia, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Tô Tịch, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Nơi đây, trước kia chuyên xe và bán chỉ tơ, sợi bông. Thời thuộc Pháp có tên Ngõ Hàng Chỉ.
Phố Hàng Chĩnh : dài 135m, từ đường Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Đầu phố xưa có cửa ô Trừng Thanh. Đây là đất thôn Ưu Nhất, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi đây chuyên bán các lại chum, vại, chĩnh, vò…sành.
Phố Hàng Cót : dài 405m, từ phố Phan Đình Phùng (cạnh vườn hoa Hàng Đậu) đến phố Hàng Mã, thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Tân Lập, Tân Khai tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Trước đây là nơi chuyên bán hàng đan, chủ yếu là cót của các làng ven ngoại đem vào.
Phố Hàng Đào : dài 260m, từ đầu Hàng Gai – Cầu Gỗ đến Hàng Ngang, thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Xưa dân 4 họ ở làng nhuộm Đan Loan, huyện Bình Giang, Hải Dương lên lập nghiệp tại đây và đặt tên phố là Hàng Đào (Điều). Hiện còn di tích đình Hoa Lộc (số nhà 90A) do người Đan Loan dựng lên để thờ vọng thành hoàng làng mình. Hàng Đào nguyên là đất phường Thái Cực đời Lê, sau thuộc đát hia phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc huyện Thọ Xương cũ; thời thuộc Pháp có tên là phố Tơ Lụa (Rue delasoie), nhưng nhân dân vẫn quen gọi theo tên cổ là phố Hàng Đào.
Phố Hàng Điếu : dài 280m, từ phố Bát Đàn đến phố Đường Thành, thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, là nơi chuyên bán các loại điếu cày, điếu bát, điếu ống…thời Pháp thuộc vẫn giữ tên Hàng Điếu (Rue dé pipes)
Phố Hàng Đồng : dài 130m, từ Hàng Mã đến Hàng Vải, cắt ngang phố Lò Rèn, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Đây vốn là đát thôn yên Phú, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Xưa kia và cả hiện nay là nơi bán đồ đồng do dân làng Cầu Nôm – Hưng Yên, làng Bưởi (Đại Bái) – Bắc Ninh, đến hành nghề. Thời Pháp thuộc phố Hàng Đồng gộp với phố Bát Sứ gọi chung là phố Hàng Chén, còn phố Hàng Đồng chỉ là một đoạn của phố Hàng Mã bây giờ. Sau Cách mạng lại tách làm hai phố Hàng Đồng và Bát Sứ như cũ.
Phố Hàng Gai (dân gian quen gọi là phố Hàng Thừng): dài 250m, từ Hàng Đào kéo đến Hàng Bông cắt ngang phố Lương Văn Can, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Trước là đất phường Đông Hà và Cổ Vũ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Trước kia nơi đây chuyên bán các loại dây gai, võng vai, thừng…đoạn đầu phố đến ngõ Tô Tịch hiện nay xưa gọi là phố Hàng Thợ Tiện. Thời thuộc Pháp tên phố vẫn là Hàng Gai.
Phố Hàng Giày : dài 230m, từ Hàng Chiếu đến phố Lương Ngọc Quyến, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Xưa là dất thôn Cổ Lương và Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Thời thuộc Pháp đoạn từ đầu phố đến ngõ Gạch chuyên bán màn nên gọi là Hàng Màn (Rue Lataste); đoạn sau mới tên là Hàng Giày.
Phố Hàng Hòm : dài 120m, từ Hàng Quạt đến Hàng Gai, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Vốn là đất thôn Cổ Vũ Thượng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Xưa nơi đây chuyên làm các loại hòm, rương, và các loại đồ gỗ sơn…Hiện còn đình Hà Vĩ (số nhà 11) thờ tổ nghề sơn do dân làng Hà Vĩ, huyện Thường Tín, Hà Tây lập nên. Thời thuộc Pháp phố vẫn mang tên là Hàng Hòm (Rue dé Caisses)
Phố Hỏa Lò : dài 165m, từ phố Hai Bà Trưng sang phó Lý Thường Kiệt, thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Vốn là đất thôn Phụ Khánh, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương xưa. Dân thôn này có nghề làm siêu, ấm, hỏa lò bằng đất nung, nên dân gian quen gọi là tù ở đây là Hỏa Lò. Thời Pháp thuộc có tên là phố Nhà Tù, nhưng dân vẫn quen gọi là phố Hỏa Lò.
Ngõ Hàng Hương : dài 65m, là đường nối từ Phùng Hưng sang phố Lý Nam Đế, thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Nguyên là đất phía ngoài cửa Đông thành cổ. Xưa đây là nơi làm hương trầm của dân làng Đông Lỗ, huyện Kim Động, Hưng Yên, Hà Nội. Thời thuộc Pháp còn có ngõ Hàng Hương khác (nay là phố Hàng Cháo) chuyên làm hương đen.
Phố Hàng Khay : dài 160m, ở bờ nam Hồ Gươm, nối phố Tràng Tiền với phố Tràng Thi; thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàng Kiếm. Nguyên là đất thôn Thị Vật và Tô Mộc, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, xưa chuyên làm đồ gỗ khảm như khay, bình phong, tam sơn…Thời Pháp thuộc có tên là phố Thợ Khảm, mãi sau ngày giải phóng mới lấy lại tên cũ là Hàng Khay.
Phố Lò Rèn : dài khoảng 130m, từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Trước kia ở đây chuyên làm và bán những nông cụ như cuốc, thuổng, cày, bừa…nên dân còn gọi là phố Hàng Bừa hoặc Hàng Cuốc. Thời thuộc Pháp phố có tên là phố Thợ Rèn.
Phố Lò Sũ : dài 320m, từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng, thuộc phương Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Nguyên xưa thuộc đất các thôn Sơ Trang, Tả Lâu (tổng Tả Túc) và Nhiễm Thượng (tổng hữu Túc) huyện Thọ Xương, là nơi làm và bán các mặt hàng gỗ, áo quan.
Phố Hàng Lược : dài 265m, từ góc phố Hàng Cót đến Hàng Mã, nay thuộc phường Hàng Mã, quân Hoàn Kiếm. Nguyên là đất các thôn Phủ Từ, Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Xưa dân làng Thụy Ứng huyện Thường Tín, Hà Tây) chuyên làm các loại lược gỗ, lược bí, lược sừng ở đây nên lấy luôn tên nghề để đặt tên phố.
Phố Hàng Mã : dài 345m, từ phố Hàng Chiếu đến phố Phùng Hưng, thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Vĩnh Thái, Yên Phú, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, Hàng Mã, vốn xưa là hai phố Hàng Mã (đoạn đầu) và Hàng Đồng (đoạn cuối) gộp lại. Hiện nay đã có phố Hàng Đồng (đặt cho nửa phố Bát Sứ) nên cả phố gọi chung là Hàng Mã.
Phố Hàng Mành : dài 150m, nối từ phố Hàng Nón đến phố Lý Quốc Sư, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Đây vốn là đất thôn Yên Thái và Kim Bát Thượng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Xưa dân làng Giới Tế huyện Yên Phong, Bắc Ninh đến đây làm mành. Thời thuộc Pháp vẫn giữ nguyên tên cũ – Hàng Mành.
Phố Hàng Nón : dài 215m, từ phố Hàng Quạt đến phố Đường Thành, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Vốn là đất thôn Yên Nội – Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Xưa đoạn đầu Hàng Nón là phố Mã Vĩ, chuyên làm mũ măng, cờ biển cho vua quan, trang phục biểu diễn văn nghệ trong những dịp hội hè, đình đám…nói chung những mặt hàng dùng đến lông đuối ngựa. Dân gian quen gọi là phố Hàng Nón. Thời Pháp Thuộc vẫn giữ tên cũ Hàng Nón (Rue des Chapeaux).
Phố Ngũ Xã : dài 250m, chạy ngang bán đảo Ngũ Xã, từ phố Phó Đức Chính đến phố Nam Tràng (ven Hồ Trúc Bạch), thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Vốn là đất thôn Ngũ xã, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận xưa, nơi cư trú của thợ đúc đồng năm làng Hè, Me Rồng, Dí trên, Dí dưới, thuộc huyện Siêu Loại, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Họ lập phường đúc đồng và xây chùa (Thần Quang) thờ tổ nghề. Hiện chùa còn pho tượng Di Đà bằng đồng vào loại lớn ở Việt Nam.
Phố Hàng Quạt : dài 200m, từ phố Lương Văn Can đến ngã ba Hàng Nón – Hàng Hòm, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Nguyên là đất thôn Tô Tịch và Thuận Mỹ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Xưa dân làng Đào Xá, huyện Ân Thi, Hưng yên ra cư trú hành nghề, xây đền Xuân Phiếm thờ tô nghề quạt (số nhà 4). Trước kia, đoạn đầu phố và nửa đầu phố Lương Văn Can là Hàng Quạt, đoạn cuối là Hàng Đàn, chuyên làm bán các loại đàn tranh, nguyệt, bầu, sáo, nhị…và đồ thờ sơn son. Thời thuộc Pháp gộp làm một lấy tên là Hàng Quạt.
Phố Hàng Thùng : dài khoảng 220m, từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Bè, nối với phố Cầu Gỗ, thuộc hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Vốn là đất thôn Sơ Trang và Cửa ô Đông Yên, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương. Xưa ở đây chuyên làm và bán các loại thùng ghép bằng gỗ, tre, gắn sơn ta. Thời Pháp thuộc đoạn đầu đến phố Nguyễn Hữu Huân ngày nay là phó Phúc Châu, nơi người Hoa gốc Phúc Châu sinh sống, đoạn cuối là phố Hàng Thùng, về sau gộp hai phố lấy tên chung là Hàng Thùng.
Phố Tràng Tiền : dài 710m, từ đường Trần Quang Khải đến cuối phố Đinh Tiên Hoàng, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất các thôn Tây Long tổng Tả Túc, thôn Cự Lâu và khu Bảo toàn cục, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Bảo toàn cục tức là trường đúc tiền và kho tiền do triều đình nhà Nguyễn lập năm 1813 đến năm 1887 thì bỏ. hu đúc tiền bao rộng cả các phố, ngõ: Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Khắc Cần hiện nay.
Phố Hàng Trống : dài khoảng 400m, từ Hàng Gai đến phố Lê Thái Tổ, phía tây Hồ Gươm. Thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Cổ Vũ, Khánh Thụy Hữu, Tự Pháp thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Nơi đây có nghề làm trống (gốc Đọi Tam, Hà Nam), làm tranh dân gian và nghề thêu. Hiện số nhà 82 là đền Đông Hương (còn gọi là đền Hàng Trống). Thời Lý Trần là phường Tàng Kiếm, đoạn cuối phố còn có tên là phố Hàng Thêu. Thời Pháp thuộc lúc đầu lấy tên là phố Thợ Thêu, sau Cách mạng trở lại tên Hàng Trống.
Phố Hàng Vải : dài khoảng 240m, từ phố Thuốc Bắc đến phố Phùng Hưng, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm. Xưa là đất thôn Đông Thành, Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Nguyên đoạn đầu phố Hàng Vải có tên là phố Hàng Cuốc; thời Pháp thuộc còn gọi là phố Hàng Vải Nâu.
Có thể nói hầu hết các phố nghề đều tập trung ở địa bàn huyện Thọ Xương cũ (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng hiện nay), tạo nên khu dân cư làm ăn buôn bán nhộn nhịp, sầm uất. Cùng với các làng nghề ven đô, Thăng Long – Hà Nội tuy là một đô thị đang trên đà phát triển, song vẫn giữ được dáng dấp thơ mộng của kẻ quê:
“Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút – Ghềnh Nhật Chiêu sóng dậy ì ồ
Dập dềnh cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách chen buồm bươm bướm – Thây lẩy đầu hồ Cô Ngựa, tháp cao tăng hé cửa tò vò.
Chày Yên Thái nên trong sương loảng choảng - Đáy Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm.
Sen vũng nọ nảy tàn xanh lác đác, lửa đóm xơm năm xã gây lò
Cầm xe gẩy lầu thư ánh ỏi – Mõ cuốc đưa án kẻ rì rù
Gò Châu Long khi ngọn gió đưa quanh, hồi thú cổ thoáng kề bên khóm trúc – Non Phục Tượng buổi vắng trăng hé nửa, tiếng hàn châm nghe cách dải sông Tô.”
Chắc chắn những phố phường Hà Nội mang tên “Hàng”, “ Lò ”, sẽ còn mãi với non sông đất nước, hôm nay và cả mai sau