Dấu tích cổ trong Hoàng Thành
Nhận định ban đầu về một số phế tích kiến trúc
Khu A trong công trường khai quật khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới đã được khai quật, một khu vực có chiều dài theo hướng Bắc – Nam 140,14m, chiều rộng theo hướng Đông – Tây 37,85m, gồm các hố được ký hiệu từ A1 đến A22. Đây là khu vực có nhiều phế tích kiến trúc tiêu biểu đáng cho chúng ta lưu ý.
Phế tích kiến trúc trong các hố thuộc phía Bắc khu A.
Một kiến trúc nhiều gian.
Giai đoạn đầu, tại các hố A1, A1MR, A2, A2MR, A3, A4, A9. A10, A11, A12, A13 trong các lớp đất ở độ sâu trung bình trên dưới – 1,5m so với “cốt” độ cao của mặt bậc thềm đá Đoan Môn (được lấy làm “cốt” chuẩn 0.00 cho cả khu vực khai quật) xuất lộ những ô sỏi trộn lẫn đất sét. Sỏi ở đây khá thống nhất về kích thước, chỉ khoảng bằng hoặc to hơn đầu ngón chân cái, chứng tỏ đã được chọn lọc. Hiện vật thu được trong các lớp đất này được xác định có niên đại thời Lý. Các ô sỏi này thường có hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 1,30m và ăn sâu xuống các lớp dưới, dày trên dưới 1,00m. Điều này chứng tỏ đây là các hố đào chủ đích để đầm – nhồi sỏi cuội với đất sét. Đáy của cá hó sỏi này nằm trong lớp đất chứa các hiện vật được xác định có niên đại Đinh – Tiền Lê.
Các ô sỏi nói tren xuất hiện trong các hố từ A1 đến A18. tổng cộng có tất cả 40 ô sỏi, xếp thành 04 hàng dọc. Chúng tôi cho rằng đây chính là các hố sỏi gia cố dưới các chân tảng đá kê dưới chân các cột. Nói chính xác, theo ngôn ngữ kiến trúc – xây dựng, đó là các móng trụ. Kết quả đo đạc đã giúp khẳng định đây là phế tích của một kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ có 04 hàng chân cột. Khoảng cách giữa các cột Quân với các cột Cái là khoảng 3,00m. Khoảng cách giữa các cột Cái là khoảng 6,00m. Từ bắc xuống nam đã xác định được 10 vì, nghĩa là ít nhất kiến trúc này có 09 gian (chúng tôi chưa thể khẳng định về số gian bởi dấu vết của kiến trúc này còn phát triển kéo dào về phía bắc, ngoài khu vực khai quật).
Bước gian (khoảng cách giữa hai vì) của kiến trúc này rất lớn, khoảng 5,80m – 6,00m. Trên thực tế, bước gian của các di tích kiến trúc bằng gỗ cổ truyền hiện còn đứng vững trên mặt đất thường nhỏ hơn. Tuy nhiên, theo PGS. Trần Lâm Biền hai di tích chùa Thầy (Hà Tây) và đền Lê (Thanh Hóa) cũng có bước gian 6,00m.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía đông khoảng 4,5m và chạy dài suốt chiều rộng của “tòa nhà nhiều gian” nói trên còn thấy xuất lộ một cống thoát nước được xây – xếp bằng gạch (hoàn toàn không thấy dấu vết của chất kết dính dạng vôi vữa), lòng cống rộng 0,17m – sâu 0,20m. Ngoài lớp gạch đặt nằm làm đáy, hai bên thành của rãnh thoát nước này được xếp nghiêng hai lớp gạch. Kích thước trung bình của gạch ở đây là 0,36m x 0,20m x 0,05m). Về phía đông, sát cạnh cống thoát nước này là một thềm gạch rộng 0,76m chạy dọc suốt chiều dài đường cống. Gạch lát thềm là gạch vuông 0,38m x 0,38m x 0,07m. Có chỗ còn lát lẫn cả gạch in hoa.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía Tây khoảng 2,5m cũng xuất lộ một công thoát nước khác. Gạch xây – xếp cống thoát nước này là loại chuyên dụng, được sản xuất chỉ để dùng làm cống – rãnh. Các viên dùng lát đáy có mặt cắt hình thang cân (cạnh ngắn 0,16m – cạnh dài 0,22m – dầy 0,08m). Những viên dựng hai bên thành có hình bình hành (cạnh ngắn 0,07m, cạnh dài 2,44m). Với hình dáng đặc biệt như vậy nên chỉ cần đào rãnh, đặt các viên gạch chuyên dụng này xuống là thành cống (đáy rộng 0,22m – miệng rộng 0,32m – sâu 0,30m).
Theo chúng tôi, các đường cống này chính là các rãnh thoát nước mưa của “tòa nhà nhiều gian”. Các cống này đều không có nắp để có thể hứng nước mưa rơi thẳng xuống từ hàng ngói lợp cuối cùng của mái (dân gian thường gọi là giọt gianh). Nghĩa là các rãnh thoát nước mưa này chính là giới hạn của mặt bằng mái. Nói cách khác, số đo giữa các rãnh thoát nước này cho biết về chiều rộng và chiều dài của công trình kiến trúc. Khoảng cách từ tim rãnh thoát nước phía đông là 17,65m. Đó chính là kích thước chiều rộng của “tòa nhà nhiều gian” này.
Các kiến trúc kiểu “lầu lục giác”
Về phía tây của “tòa nhà nhiều gian”, các tim các móng trụ sỏi gia cố hàng chân tảng cột Quân phía tây 4,90m, đã tìm thấy những móng trụ gia cố chân tảng khác. Vật liệu gia cố có phần đa dạng hơn, ngoài sỏi (tương tự như sỏi ở các hố đã nêu trên) còn có cả ngói vỡ vụn, được nhồi – đầm theo chu kỳ 1 lớp sỏi lại 1 lớp ngói vụn. Hình dạng của các hố đào cũng khác, có hố tròn (đường kính từ 1,10m đến 1,30m), có hố vuông (1,20m x 1,20m). Bố cục của các móng trụ chân tảng này khá đặc biệt: 06 trụ móng tròn quây quanh một số trụ móng ở chính giữa. Khoảng cách trung bình giữa tim của các móng trụ tròn (làm thành một hình lục giác gần đều) là khoảng 1,30m. Tim móng trụ vuông trùng với tâm của đường tròn ngoại tiếp hình lục giác, cách tim các móng trụ tròn một khoảng 1,30m.
Các cụm móng trụ gia cố chân tảng này trải dài suốt mặt phía tây của “tòa nhà nhiều gian”. Khoảng cách giữa các cụm (đếm được tất cả 11 cụm), không thật đều, xê xích từ 8,00m đến 12,00m. Chúng tôi cho rằng một cụm móng trụ gia cố chân tảng như vậy là phế tích của một kiểu “lầu lục giác” nhỏ, được dựng nhằm phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn.
Theo GS. Trần Quốc Vượng, Việt Sử lược có ghi nhận về loại hình kiến trúc này, gọi là các Trà đình.
Phế tích kiến trúc trong các hố thuộc phía nam khu A.
Trong các hố A19, A20, A20MR và A21 cũng xuất lộ nhiều móng trụ sỏi.
Ở phía nam hố A20 đã xuất lộ một cụm phế tích rõ ràng hơn.
Khác với các phế tích vừa mô tả, cụm phế tích này còn cả chân tảng đá đặt nguyên vị trí (in situ) trên hố gia cố. Thực tế này đã khẳng định chính xác về công năng của các hố sỏi. Hố gia cố chân tảng ở đây hình vuông (1,30m x 1,30m). Vật liệu gia cố hỗn hợp cả sỏi nhỏ, gạch, đá vụn. Tất cả còn 09 chân tảng, xếp thành 04 hàng. Theo trục đông – tây, các chân tảng cách đều nhau một khoảng 5,75m.
Các chân tảng đều được làm bằng sa thạch (grefs) màu xám. Mặt chân tảng chạm cánh sen mang phong cách nghệ thuật Lý. Đường kính trong của vành hoa sen này là 0,49m. Trên mặt nhiều chân tảng còn rất rõ dấu vết cho biết cột gỗ dựng trên đó có đường kính 0,43m.
Đặc biệt, cụm phế tích này còn giữ nguyên vẹn một số đoạn thềm hiên lát gạch ở phía ngoài xà ngưỡng, rộng trên dưới 1,00m tính từ tim chân tảng. Thềm gạch này được xây bởi 8 hàng gạch (0,39m x 0,02m x 0,05m) cao hơn mặt sân 0,36m. Sân gạch chạy giữa hai hành lang này được lát gạch vuông (0,38m x 0,38m x 0,06m).
Vài nhận định bước đầu.
Nhận dạng di tích.
Theo các nhận định ban đầu, chúng tôi cho rằng các phế tích kiến trúc ở phía bắc khu A là của một tổ hợp kiến trúc có liên quan mật thiết với nhau, bao gồm: một “tòa nhà nhiều gian” và một dãy các “lầu lục giác”. Điều đáng quan tâm hơn là sự liên hệ, tiếp nối giữa các kiến trúc này. Hiện trường còn rất rõ một số mảng nền lát gạch vuông (0,38m x 0,38m x 0,08m), nối liền từ mép rãnh thoát nước phía tây “tòa nhà nhiều gian” với các “lầu lục giác”.
Căn cứ vào dấu vết của nền lát gạch vuông này, chúng tôi cho rằng “tòa nhà nhiều gian” và các “lầu lục giác” có cùng một niên đại khởi dựng.
Về niên đại: Để khẳng định niên đại cho các dấu tích kiến trúc đã xác định ở khu A, chúng tôi dùng phương án đối chiếu và so sánh tổng hợp, kết hợp với việc phân tích địa tầng.
Trước hết chúng tôi tập trung vào các trụ móng sỏi có chuẩn niên tương đối. Như đã trình bày, ở khu A20 còn có 8 trụ móng sỏi còn nguyên chân tảng đá xếp tại chỗ. Các chân tảng đều bằng đá cát, các cánh sen thon thả, trau chuốt, đẹp tương tự như chân tảng đá hoa sen thời Lý ở tháp Tường Long (Hải Phòng), năm 1057, tháp Chương Sơn (Nam Định)…Đồng thời tại khu vực hố A20 có khá nhiều các di vật lá đề và gốm sứ thời Lý. Các loại gạch bó thềm hiên nhà đều còn nguyên vẹn và dáng hình, sắc màu đều giống hệt như các viên gạch xây các tháp Lý vừa dẫn. Từ các dẫn liệu trên đây chúng tôi tin rằng đây là dấu tích kiến trúc của thời Lý. Niên đại này được củng cố khi so sánh mặt bằng của hai kiến trúc này là tương đương với địa tầng chuẩn Lý – Trần ở Đoan Môn đều ở độ sâu khoảng 2m. Khi đó có các móng trụ có niên đại của các móng trụ khác. Ta sẽ thấy, móng trụ sỏi ở “Kiến trúc nhiều gian”, ở “lầu lục giác” giống hệt về kỹ thuật, vật liệu, kích thước với các trụ móng sỏi Lý ở khu A20.
Về địa tầng các trụ móng đó có cùng độ sâu 1,80m – 2,20m với các kiến trúc ở A20, tức là đều nằm trong khoảng niên đại khoảng thời Lý.
Hơn nữa xét về mặt kỹ thuật xây dựng, các móng trụ ở đây cũng đều thuộc kỹ thuật của thời Lý và thời Trần. Trong thời Lý, kỹ thuật gia cố sỏi đặc biệt thấy rõ ở chùa Lạng (Hưng Yên), Tháp Chương Sơn (Nam Định), tháp Phổ Minh (Nam Định).
Các trụ móng sỏi ở thời Lý thường được gia cố rất chặt chẽ. Điều này khác với các trụ móng sỏi thời muộn hơn (Có thể là thời Lê), có gia cố sỏi nhưng sơ sài hơn rất nhiều và ở độ sâu cao hơn, nói cách khác, các trụ móng sỏi Lê nằm ở mặt bằng cao hơn mặt bằng Lý – Trần.
Hơn nữa, như đã nói trên, phủ trên mặt bằng của khu vực của các trụ móng thời Lý là một lớp di vật có niên đại Lý nên có thể tin rằng hầu hết các trụ móng ở đây đều thuộc thời Lý.
Điều này còn khẳng định thêm khi phát hiện một hồ nước cổ hình chữ nhật phía nam khu “kiến rúc nhiều gian” bị lấp đầy vật liệu Lý, Trần. Điều này chứng tỏ hồ nước này đã bị lấp trong thời Trần. Hồ nước này đã phá vào móng kiến trúc “lầu lục giác” và một phần móng trụ của “kiến trúc nhiều gian”. Chúng tôi cho rằng hồ này được đào vào đầu thời Trần và bỏ đi vào khoảng cuối thời Trần. Do đó ta cũng thấy các trụ móng sỏi đã xuất lộ ở cùng mặt bằng đều thuộc thời Lý.
- Kiến trúc cổ truyền Việt là các công trình có hệ chịu lực bằng khung gỗ, với cấu kiện cơ bản là hệ thống cột. Vì vậy, người Việt chỉ chú trọng gia cố nền mà không cần đến móng. Sức nặng của công trình được phân tán qua hệ cột nên chân các cột đá được gia cố bằng các chân tảng đá có kích thước lớn gấp nhiều lần đường kính cột. Hiện trạng khảo cổ học (tầng văn hóa, hiện vật) và kết quả khảo sát địa chất khu vực này cho phép khẳng định có một dòng chảy cổ (theo hướng bắc – nam) ở phía tây các phế tích nói trên. Nền đất tự nhiên chịu tải kém nên các công trình kiến trúc ở đây đều có hệ thống hố gia cố chân tảng. Đây là một thành tựu, một tiến bộ kỹ thuật của người Việt trong xây dựng. Với khảo cổ học kiến trúc (hay khảo cổ học đô thị), các phế tích nói trên còn cung cấp những hiểu biết mới, có tính chất lý thuyết về việc gia cố chân tảng, về cách thức xác định kích thước – quy mô của một kiến trúc qua các dấu vết của phế tích. Kỹ thuật này đã được thấy ở cố đô Hoa Lư thời Đinh – Lê. Ở đó kỹ thuật xây trụ đá ở bên trên. Đến thời Lý và thời Trần, kỹ thuật này bây giờ xử lý hoàn toàn bằng sỏi và gạch vụn, sành vụn. Móng trụ bằng sỏi thời Lý và thời Trần có quy mô và chắc chắn nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.
- Các phế tích kiến trúc ở khu A còn cần được nghiên cứu kỹ hơn. Kiến giải của chúng tôi về một số phế tích chỉ là những nhận định ban đầu. Tuy chưa thể khẳng định về quy mô và công năng của tất cả các công trình nhưng rõ ràng các phế tích này cho thấy một quần thể kiến trúc tòa ngang dãy dọc khá phong phú. Dung mạo của một bộ phận Hoàng thành Thăng Long xưa đã biểu hiện qua dấu vết vật chất chứ không chỉ là hình ảnh của sách vở, chữ nghĩa.
Vì vậy, các phế tích này rất cần được bảo tồn tại chỗ
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn