ĐỀN LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA
Từ đỉnh Đèo Ngang theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam khoảng 2km, rẽ trái theo con đường mòn gần 500m, ta sẽ tới đền Liễu Hạnh công chúa.
Đền nằm dưới chân núi Đèo Ngang, ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc - Nam trước đây, phía sau đền là dãy Hoành Sơn, ngay trước mặt là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, mặt đền quay hướng Nam cũng là hướng biển.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cũng như một số dân tộc anh em, việc tôn thờ nữ thần, thờ Mẫu là một hiện tượng khá phổ biến và có căn nguyên lịch sử xã hội sâu xa.
Việc coi trọng phụ nữ, coi trọng vai trò người mẹ, người vợ ở nước ta, một truyền thống tất đẹp và có sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian. Chính là cơ sở chính trị và xã hội, cơ sở tinh thần và tâm linh, đã hình thành và phát triển tục thờ nữ thần, tục thờ các bà mẹ, các Mẫu, một tục có từ thời Văn Lang, Âu Lạc và còn truyền lại cho đến ngày nay, chính là tục thờ thần của người Việt cổ.
Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.
Vì vậy, theo sách kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tập IV - của Nguyễn Đổng Chi kể rằng: ’’Ngày xưa ở trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng có một cô con gái tên là Liễu Hạnh, tính tình phóng túng, ngang bướng, không chịu theo khuôn phép nhà Trời. Ngọc Hoàng hết lòng dạy dỗ nhưng vô ích, cô vẫn chứng nào tật ấy. Giận vì trong nhà có con gái hư, không thể làm gương cho muôn họ, Ngọc Hoàng quyết định trị tội để cho con tu tỉnh. Nhân một lần Liễu Hạnh phạm lỗi, Ngọc Hoàng liền đày xuống trần trong thời hạn ba năm. Sau khi xuống trần, Liễu Hạnh hóa thân thành một cô gái xinh đẹp, dựng một lều quán ở chân núi Đèo Ngang. Đây là nơi rừng núi vắng vẻ nhưng cũng là nơi có con đường Thiên lý Bắc - Nam vắt qua nên hằng ngày không bao giờ ngớt khách bộ hành qua lại. Từ xưa đến nay, vì sợ giặc cướp và thú dữ, không một ai dám đến đó mở quán bán hàng. Vì vậy ngôi hàng độc nhất của. Liễu Hạnh ngày nào cũng đông khách.
Bất kỳ ai lên xuống Đèo, đã đi qua quán, không thể không ghé đến nghỉ chân, huống gì trong quán lại có thêm cô gái tuyệt sắc.
Từ khi bị đày, Liễu Hạnh vẫn chưa từ bỏ được nết cũ, khinh mạn và trêu chọc mọi người. Cho nên, hễ ai vào quán ăn bánh uống nước rồi tiếp tục ra đi thì không sao; nhưng nếu thấy chủ quán xinh đẹp mà giở thói cợt nhã hoặc có ý cậy sức, cậy thế cậy thần làm điều bất chính thì nàng quyết trị tội, không tha, lúc trở về không lăn ra chết cũng trở thành điên rồ ngây dại.
Hồi ấy là thời Vua Lê Thái Tổ trị vì thiên hạ, tiếng đồn về người con gái đẹp một mình mở quán ở Đèo Ngang, không mấy chốc đã lan truyền rất rộng. Khắp nơi bàn tán xôn xao, người thì nói chủ quán là một cô gái võ nghệ hơn đời, mình nàng địch nổi trăm người một lúc; kẻ thì cho nàng là một ả giang hồ thành thạo, không những giỏi quyến rũ trai tơ mà còn làm nhiều nghề không lương thiện khác cũng có người cho cô là một nàng tiên xuống thử người phàm trần. Mỗi người nói một phách, không biết thế nào mà tin. Nhưng tiếng đồn gần xa về cô chủ quán Đèo Ngang cũng thu hút vô số chàng trai vô công rồi nghề từ làng quê đến kẻ chợ.
Hoàng tử con vua Lê bấy giờ đang trẻ người non dạ, nghe tin ấy bụng cũng say mê. Hoàng Tử muốn sai quân lính đi bắt ngay người con gái kia về nhưng vốn biết tính vua cha rất nghiêm khắc, làm náo động cả một phương là chuyện không bao giờ nhà vua cho phép; vả lại, nghe nói người con gái ấy đã giỏi võ nghệ lại có nhiều phép thuật nên cũng ngần ngại. Sau cùng, không ngăn nổi lòng ao ước và tính tò mò. Một hôm, Hoàng tử giấu Vua cha và Hoàng Hậu, sắm sửa cáng xá hành lý, đóng vai một nhà quý tộc trẻ tuổi, dẫn đoàn thị vệ cải trang ra đi. Sau hơn mười mấy ngày đường, vượt qua Sông Lam rồi núi Nam Giới, Hoàng tử sắp bước chân lên dãy đèo cao nhất.
Từ Đèo Ngang, Liễu Hạnh đã biết có Hoàng tử đến tìm mình, lại cũng biết đó là chàng trai tầm thường, không có bản lĩnh gì mà lại kiêu căng, dật lạc. Để ngăn cản, nàng hóa phép thành một cây đào tiên mọc bên vệ đường, chỗ Hoàng tử đang nghỉ chân, trên cây có một quả chín mộng. Hoàng tử chợt thấy quả đào đã thèm nhỏ dãi, không đợi sai lính hầu vội trèo lên ngắt xuống toan ăn. Quả đào đang thơm ngát và ngon lành, bỗng đâu khi sắp đưa vào miệng thì trở nên mềm nhũn trên tay Hoàng tử, rồi thu nhỏ, cuối cùng mất biến không còn tý gì nữa. ’’Quả đào này có ma! ’’ - bọn thị vệ kinh hãi la lên và khuyên Hoàng tử hãy nên cẩn thận. Hoàng tử cảm thấy rờn rợn nhưng vì vẫn không thấy được ý nghĩa răn đe kín đáo của Liễu Hạnh nên một lúc sau, chàng lại giục phu cáng, tiếp tục đi nhanh đến chân đèo.
Khi giáp mặt Liễu Hạnh, quả nhiên cả thầy lẫn tớ thảng thốt sửng sờ. Chưa bao giờ Hoàng tử lại mê mẩn đến như thế, người con gái này quả có nhan sắc kiều diễm đúng như lời đồn, trong cung vua cha dễ không một người nào sánh kịp. Hoàng tử bèn kín đáo hạ lệnh cho cả đoàn dừng chân ở quán, lân la hết ăn lại uống, kéo dài đến tận chiều, rồi khi mặt trời gần lặn, bảo với chủ nhân:
"Đường xa trời tối, chúng ta muốn nghỉ lại ở đây một đêm. Chẳng hay nữ chủ nhân có bằng lòng không?
Liễu Hạnh đã thừa rõ tâm tư của Hoàng tử bèn khước từ:
- Thưa công tử, ở đây hàng quán chật chội, vả lại chỉ có mấy chị em là đàn bà con gái, công tử và các vị ở lại sợ không tiện. Cách đây nửa dặm về phía Đông có làng xóm, xin các vị đến đó trú, sẽ có sẵn nhà cửa và dân phu phục dịch.
- Chúng tôi chỉ cần nghỉ ở lại đây thôi, nữ chủ nhân đừng lo. Chỉ cần một chỗ trong quán để căng màn là đủ. Ngoài ra, xin hứa là không làm gì phiền đến nữ chủ nhân cả.
- Nếu thế công tử cứ tùy tiện.
Tối đến, mọi người ăn cơm xong, sửa soạn đi ngủ, những phu cáng và lính hầu trải chiếu nằm la liệt giữa sân, riêng Hoàng tử đã có hai thị vệ căng trướng ở trong quán. Trời mùa hè mát mẻ trăng gió hữu tình. Dưới ánh đèn dầu, Hoàng tử vẫn dựa cột trò chuyện với nữ chủ quán không rời. Liễu Hạnh vẫn chịu khó ngồi nán lại tiếp, mỗi lời nói của nàng đều đẹp lòng khách, làm cho Hoàng tử càng thêm mê mẩn. Chàng quên mất lời hứa, đánh rơi cả vẻ đạo mạo lúc mới tới và bắt đầu lả lơi. Liễu Hạnh cự tuyệt và bỏ chạy vào buồng. Trong cơn si mê, Hoàng tử không cần giữ thể diện nữa, bèn chạy theo vào. Có ngờ đâu chỉ trong nháy mắt, Liễu Hạnh đã biến hình phi thân lên núi, bắt một con khỉ cái về, cho hóa thành một cô gái đẹp để đánh lừa Hoàng tử. Không thấy chủ quán đâu nhưng lại có một cô gái khác trong buồng, Hoàng tử liền giở trò suồng sã. Nhưng bỗng chốc hắn rú lên một cách ghê sợ làm cho bọn lính hầu đều tỉnh dậy, trong tay Hoàng tử không phải là một cô gái nõn nà nữa mà lại là một con khỉ cái, lông lá đầy người. Bọn lính hầu xông lại, vụt một cái, con khỉ lại biến thành một con rắn mang hoa trên người Hoàng tử vươn lên kèo nhà, há miệng phun lửa phì phì, rồi biến mất. Khi bọn lính hầu thắp được đèn lên thì Hoàng tử đã ngã vật giữa quán, nằm mê man, mặt cắt không còn một giọt máu.
Nửa đêm hôm đó, người ta cắt ngựa trạm đưa Hoàng tử về Kinh. Đến cung Hoàng tử trở nên mất trí, ai hỏi cũng không trả lời, chỉ cười nói một mình. Hoàng Hậu và các phi Thần hết sức lo sợ; một mặt cho giấu kín chuyện ’’vi hành’’ khinh suất đó, đồng thời cho người mời các bậc danh y để chửa trị cho Hoàng tử. Mặc dù vậy, các danh y đều lắc đầu bó tay. Trong cung càng thêm bối rối hoảng hốt và cuối cùng, có người mách nên vào xứ Thanh xin bùa phép ở tám vị Kim Cang họa may mới khỏi...
Lập tức bọn thị vệ được lệnh vua vào Thanh Hóa để xin bùa phép. Nhờ đó, bệnh tình của Hoàng tử mới dần dần được thuyên giảm. Sau khi bình phục, Hoàng tử cúi đầu nhận tội với vua cha, kể lại cho vua cha nghe mọi chuyện với nữ chủ quán ở Đèo Ngang. Vua Thái Tổ hết sức giận dữ vì Hoàng tử đã dám khinh thường lệnh vua, rời phủ đi chơi, hãm mình vào cảnh thân tàn ma dại nên phế bỏ ngôi vị Thái tử của Hoàng tử lập người con thứ lên thay. Nhưng nhà vua còn tức giận hơn bởi trên bờ cõi mình trị vì, lại có một người con gái dám khinh thường phép nước, vua bèn ban lệnh hỏi quan trấn thủ xứ Nghệ về lai lịch nữ chủ quán Đèo Ngang. Sau một thời gian cất công dò la, quan Trấn thủ gửi sớ về tâu rằng đó là một nữ yêu không biết từ đâu đến, hay bắt hồn đàn ông con trai, nếu không có phép cả tài cao thì khó lòng khuất phục.
Nhà vua lại ra lệnh cho mời các pháp sư, thầy phù thủy cao tay đi trừ yêu nhưng chẳng bao lâu, họ đã trở về xin chịu tội vì chẳng những không trị nổi yêu quái mà ngược lại mọi phép trổ ra đều bị Liễu Hạnh thu mất cả. Vua lại cầu cứu tám vị Kim Cang phi thân vào Đèo Ngang. Được tin chẳng lành, Liễu Hạnh liền ra ứng chiến và cuộc chiến đấu dần dần trở nên dữ dội, mưa dồn gió giật rất khủng khiếp, cây đổ khắp lượt, tám vị Kim Cang tràn vào, vây lấy Đèo Ngang. Liễu Hạnh cũng hóa phép chống lại, nàng làm cho cây rừng đã đổ rồi đứng dậy cùng với đất đá bay rào rào. Thấy Liễu Hạnh pháp thuật cao cường, tám vị Kim Cang lại hóa phép làm cho thú dữ tập hợp lại, nhe nanh múa vuốt xông vào hàng đoàn toan cắn xé, nhưng Liễu Hạnh đã kịp thời bay lên không trung rồi dùng phép tiêu diệt hết bầy mãnh thú.
Trận đánh diễn ra ba ngày đêm, Đèo Ngang trở thành một bãi chiến trường rùng rợn và vô cùng ác liệt. Mọi phép thuật của cả hai bên lần lượt giở ra mà vẫn bất phân thắng bại. Về sau, tám vị Kim Cang biết mình bất lực bèn bay lên Trời khẩn cầu Phật Bà. Phật Bà ném cho họ một cái túi, quả nhiên Liễu Hạnh sa lưới, lọt vào túi đó. Tám vị Kim Cang mang túi về kinh báo tiệp, vua lập tức ra sân điện tra hỏi:
- Người là ai?
- Tâu bệ hạ, là con Ngọc Hoàng bị đày xuống cõi trần, lấy vùng Đèo Ngang làm nơi trú ngụ.
- Là con ngọc Hoàng sao lại dám phá phách dân sự và làm hại Hoàng tử con ta?
- Việc trừng trị bọn con trai chọc ghẹo nhi nữ, ăn hiếp người cô đơn là tuân theo phép nước, không phải là phạm phép nước.
Nghe Liễu Hạnh nói là con gái Ngọc Hoàng, lại thấy tài đối đáp khôn ngoan, vua đổi giận làm vui cho nên sau cuộc thẩm vấn, vua hạ lệnh tha bổng, chỉ khuyên nàng đừng gây náo động và làm hại dân lành’’.
Qua truyền thuyết dân gian về công chúa Liễu Hạnh, chúng ta thấy đó là một niềm tin và sự cầu mong về một lẽ công bằng của nhân dân. Hay có thể nói ngược lại: Chính niềm tin và sự cầu mong ấy là tiền đề để nảy sinh ra một câu chuyện thần kỳ tức là câu chuyện về công chúa Liễu Hạnh. Con đường để hình thành truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu cũng là những con đường đã hình thành nên truyền thuyết về các vị thánh và các vị linh thần khác. Đó là con đường của sáng tác dân gian hoặc con đường dân gian hóa những tác giả, những tác phẩm cụ thể...
Công chúa Liễu Hạnh đã để lại một hình ảnh mẫu mực xứng đáng là tấm gương và cái đích cần vươn tới của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.
Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang có diện tích khoảng 335m2. Từ đường thiên lý Bắc - Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu.
Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, chúng ta thấy đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách đối xứng, cân đối và hài hòa, sự cân xứng và đăng đối, hài Hòa ở đây là nói lên sự trung chính, ngay thẳng và cũng là ước mơ của con người. Mặt khác, lối cấu trúc cân xứng, đăng đối và hài Hòa đó còn tạo ra vẽ đẹp cho kiến trúc, nghệ thuật và thể hiện sự trang nghiêm của cả công trình kiến trúc đền. Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy được sự tài hoa về kỹ thuật xây dựng, về hội họa, tài ghép sành sứ của con người ở đây. Chủ đề trang trí với đền thường gắn liền với những quan niệm, tư tưởng và những ước mơ hoài vọng tốt đẹp của xã hội phong kiến Việt Nam nói riêng và cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước phương Đông nói chung. Đó là các hình tượng như Tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thủ (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (tùng, trúc, mai, sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long...Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối và đăng đối, chính bố cục này đã làm thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.
Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích-danh thắng Đèo Ngang (Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La...). Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang là điểm thờ Mẫu ở Quảng Bình và trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng đối với nhân dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang là điểm cuối phía Nam còn nguyên vẹn về kiến trúc đền thờ Mẫu Liễu Hạnh như tục thờ Mẫu ở Phủ Giầy. Đền thờ như một minh chứng cho sự tích Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, trong truyền thuyết dân gian đã có từ lâu đời. Chính vì vậy, di tích đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, xét về quy mô, phong cách và vị trí của nó trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng, bảo tồn.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn