ĐÌNH LÀNG LỘC ĐIỀN
Đình làng Lộc Điền (làng Lộc Điền, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của cộng đồng cư dân một vùng đất bên bờ sông Gianh lịch sử. Công trình được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh năm 2003.
Theo cuốn “Lịch sử đình làng Lộc Điền” của GS.TS Nguyễn Quốc Cừ, đình làng này được khởi dựng từ cuối thế kỉ XVII, ban đầu bằng tranh, tre, nứa, gỗ… Qua nhiều lần tôn tạo, phục hồi vào các năm 1828, 1890, 1922, 1934, ngôi đình thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của nhiều lớp cha ông để có được vẻ đẹp độc đáo nổi tiếng cả vùng. Riêng lần đại trùng tu năm 1922, kiến trúc phần nề (xây đắp), nổi bật là 2 trụ biểu (cột nanh). Hai trụ biểu đứng làm cổng đình, cao trên 5m, chân cột khoảng 0,8m; trên đỉnh trụ đắp hình con nghê; chung quanh mỗi trụ đắp gờ nổi, hình rồng uốn lượn và nhiều loại họa tiết, hoa văn vô cùng sinh động. Mặt bên đắp hình rồng chầu, hổ phục. Mặt trước có hai câu đối bằng chữ Hán; tất cả được ghép bằng hàng nghìn mảnh sành sứ cổ xưa quý hiếm; đã tạo cho đình làng vẻ huyền bí, giàu tính nghệ thuật và oai nghiêm. Câu đối ở 2 cột nanh (do cụ cử nhân Ngô Gia Hựu soạn), như sau: “Tứ diện sơn hà, đắc nhất dĩ linh, ngưng chính khí/ Lưỡng gian thiên địa, lập trung bất ỷ, ngật cao tiêu”. Tạm dịch: Bốn mặt núi sông, đắc nhất hồn thiêng, ngưng chính khí/ Đôi dòng trời đất, đứng thẳng không dựa, ngất trời cao.
Trong thời gian chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xã Quảng Thanh và cả khúc sông Gianh qua làng Lộc Điền, là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt của hải quân và nhân dân đánh trả nhiều đợt oanh kích của máy bay Mỹ. Đặc biệt năm 1973, khu vực đình và gồm nhiều nhà dân nữa, bị bom đạn tàn phá, hủy diệt làm cho “bình địa”. Nhưng thật kỳ lạ, riêng hai cột nanh - trụ biểu của đình - vẫn “bất ỷ” - không dựa, ở thế trời trồng “ngật cao tiêu”! Trụ biểu tồn tại hiên ngang, bất khuất “ngất trời cao” - dẫu trên mình nham nhở hàng trăm vết thương do bom đạn. Từ đó, qua nhiều thế hệ, trụ biểu đình là chứng tích lịch sử, là biểu tượng của biết bao hy sinh anh dũng của quân và dân xã Quảng Thanh; của những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật còn bề bộn lo toan, gian khó nhưng người dân vẫn một lòng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới đàng hoàng, tươi đẹp hơn.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn