ĐÌNH PHÙ TRỊCH
Từ thị trấn Ba Đồn, trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch theo tỉnh lộ 29 khoảng 3km rẽ qua bến đò Phù Trịch là tới đình.
Đình Phù Trịch là một công trình kiến trúc ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, được xây dựng vào năm 1843. Đây là thành quả của sự khao khát, ước vọng lâu đời của nhân dân. Qua bao đời dân làng Phù Trịch đã đồng lòng, chung sức xây dựng nên. Đình nằm sát bên bờ sông Gianh lịch sử. Mặt đình hướng ra sông Gianh, lưng tựa vào làng tạo thế đứng vững chắc giữa không gian thoáng đãng.
Đình được thiết kế hai phần: Đình Tiền và Đình Hậu.
Đình Tiền được xây dựng khá rộng, có thiết kế khá đẹp, công phu, các đường nét hoa văn chạm khắc trau chuốt tỉ mỷ. Đình được làm nơi cúng tế, hội họp, tổ chức lễ hội hàng năm của làng.
Đình Hậu: Là nơi cung kính thờ phụng vị thành hoàng, thờ vong linh các vị thần, các vị tướng có công danh, chức trọng, đức độ, các vị khoa bảng danh thơm tiếng tốt, phò dân giúp nước được nhân dân mến mộ.
Đình Hậu có kiểu kiến trúc và cách bố trí mang những nét tương đồng như các đình khác ở các địa phương khu vực miền Trung, từ các chi tiết hoa văn phối cảnh bên ngoài cho đến phần nội thất bên trong. Đình Hậu được xây dựng theo hình chữ nhật, mái lợp bằng ngói Hưng Ký. Ở hai đầu hồi phía Đông và Tây đắp hình hai con chim phượng có tư thế đang bay, với cách đắp ốp những đường nét cong lượn, tinh tế sắc sảo uyển chuyển hài hòa tuyệt mỹ, mang cốt cách đăng đố cung đình. Phía trên hai mái và hồi có đắp và kẻ các đường gờ nẹp nổi, có hoa văn rồng lượn ở các góc.
Mặt trước của đình Hậu có ba cửa: Một cửa chính và hai cử phụ hai bên.
Cửa chính có chiều cao: 1,7m, chiều rộng 1,6m; hai cửa phụ mỗi cửa cao 1,7m, rộng 0,9m. Khoảng cách giữa các cửa được liên kết với nhau bằng những mảng tường, xen lẫn giữa các cửa được xây thêm các trụ đỡ. Phía trên các trụ đỡ có ghép các ô vuông hình hoa thị rất đẹp mắt, đặt ẩn sâu vào trong.
Mặt tường phía trên chổ tiếp nối từ các trụ đỡ đến mái được phân thành hai cấp, mỗi cấp lại chia thành ba ô hình chữ nhật, ở giữa các ô có hình mặt nguyệt, xung quanh vấn cách điệu các hình ria lửa, xen kẽ với các hoạ tiết hình lá cong lượn quyện vào nhau.
Nhìn chung về trang trí ngoại thất mặt trước của đình Hậu được sắp xếp rất công phu và chu toàn, vừa có nét dân gian vừa mang tính hiện thực trong cách bài trí, nhưng nhìn toàn cục lại rất nhẹ nhàng tinh tế, vừa thanh thoát, vừa trang nghiêm nhưng lại rất hài hòa về đường nét. Những mảng hoa văn không có chỗ nào thừa, trong cốt cách nghiêng về tính truyền thống.
Về phần nội thất: Đình Hậu có ba gian được đặt ba hương án cân xứng trang nghiêm; ở giữa là hương án nội, hai bên là hương án ngoại để thờ các bậc phụ thần.
Riêng hương án nội có hai cấp được trang trí công phu hơn đặt ở chính giữa, phía trên có khắc hai chữ Hán ’’Anh Linh’’; là nơi trang nghiêm và kính cẩn để thờ thành hoàng của làng là ông Phạm Bá Quý - người có công lớn trong việc khai khẩn ruộng đất lập nên làng Phù Trịch, vừa là một vị tướng công có tài lớn. Khi còn sống ông đã trấn ải một vùng "sác" Trong cuộc giao tranh với giặc Binh Lồi cứu quốc, ông cùng binh sĩ và dân địa phương lập bao công tích.
Năm 1817, ông được vua Thành Thái sắc phong “Bản thổ Thành Hoàng chi thần” vào ngày 10-6 thập niên được phong là “Thượng Đẳng Tôn thần”. Bởi thế khi xây dựng, ở đình có khắc hai câu đối bằng chữ Hán:
"Sinh vi tướng Binh Lồi cứu quốc
Tử phong thần bản thổ thành hoàng”.
Cách đình khoảng 20m về phía Tây của làng còn lập riêng một lăng miếu được xây cất khá công phu và chu đáo thờ thành hoàng Phạm Bá Quý.
Về phía đông cách đình khoảng 1.200m nhân dân địa phương còn lập nên một khu miếu gọi là Tam Toà hay “Tam toà tứ miếu”, gồm có 4 ngôi miếu. Mỗi ngôi miếu được thiết kế theo ba toà kiến trúc giống nhau, các đường nét đắp ốp, uốn lượn, chấm hoạ đều theo một thể thống nhất. Đã gần hai thế kỷ qua mà các đường nét hoa văn chạm trổ vẫn nguyên vẹn trên vùng đất có nhiều chiến tích. Bốn ngôi miếu dùng để thờ các vị: Nam Hán Lang Lai, Tả phụ thiền tướng công Nguyễn Hữu Hiền, Thân phụ các tả phụ thiền quận công, Tứ vị thần nông, những vị có công trong việc trấn ải biên thùy, khai cơ điền thổ, xây dựng bảo vệ quê hương và được sắc phong qua các triều vua.
Di tích lịch sử đình Phù Trịch ngoài việc thờ tự vong linh những vị tổ khai cơ lập nghiệp nên làng, những vị có công đức được nhân dân tôn kính, đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiêu biểu nhất là chiến thắng của trận mở màn chiến dịch năm 1947 làm giặc Pháp thất bại tháo lui. Tiếp đến là trận Bạch Đằng 2 lừng danh - chiến thắng Phù Trịch La Hà vào mùa xuân tháng 2-1950 đã đi vào lịch sử của địa phương và dân tộc như một mốc son chói lọi, xác và máu quân thù nhuốm đỏ cả đòng sông.
Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phù Trịch là địa bàn trọng điểm; bến đò ngang Phù Trịch là huyết mạch giao thông quan trọng, là nơi đưa đón bộ đội, thanh niên xung phong, nhân dân qua lại và vận chuyển hàng hóa vào chiến trường. Đình Phù Trịch là nơi tập kết quân, cất dấu hàng hóa quan trọng như vũ khí quân trang, quân dụng, gạo muối, thuốc men. Đình Phù Trịch, vùng đất Phù Trịch trở thành điểm nóng mà địch tập trung đánh phá suốt đêm với hàng ngàn loại bom đạn khác nhau: Napan, Róc két, bom tạ, bom bi, từ trường, thuỷ lôi, laze tốc độ... hòng ngăn chặn cắt đứt mạch máu giao thông đường bộ, đường thuỷ. Đến năm 1967, 1968 với cuộc chiến tranh mang tính huỷ diệt, đế quốc Mỹ đánh bom vào nhà thương, trường học, đình, chùa, lăng, miếu... phần đình tiền cũng bị đánh sập từ đây.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Phù Trịch nói riêng, làng Phù Trịch nói chung đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Hàng năm nhân dân địa phương chọn ngày 6 tháng giêng ngày tướng công Phạm Bá Quý qua đời làm ngày hội truyền thống chung của làng. Tất cả 4 phương 8 hướng gần xa đều tụ hội tụ về đây để dự hội. Các cụ cao niên của làng làm theo phong tục rước lư hương thành hoàng của làng vào Đình để làm lễ và dâng hương cúng tế.
Sau phần lễ dâng hương, bà con sum vầy ôn lại truyền thống đấu tranh, công lao to lớn chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, khai hương điền thổ... để con cháu nghe và học tập.
Trước sân đình là nơi tổ chức vui chơi truyền thống như: Đấu võ quyền roi, cướp cù, kéo co, chọi gà, đua thuyền, hát múa v.v... Tất cả đều biểu hiện cho sức mạnh của một vùng đất giàu truyền thống và lễ hội dân gian.
Hiện nay đình còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc quý như 12 sắc phong của các triều vua: 01 bộ Long Đĩnh, 01 ngai thờ. Bước đầu đình Phù Trịch đã và đang được Nhà nước và nhân dân đầu tư phục hồi tôn tạo.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn