Đặt vé tại Sài Gòn 0934 476 522
Đặt vé tại Hà Nội 0903.295392
Liên hệ đặt vé toàn quốc 0979 765 119

Hà Nội thuở sơ khai - Làng nhỏ ven sông Tô Lịch

 
Khu phía Đông kinh thành Thăng Long xưa mà nay là khu phố cổ Hà Nội được nhiều người biết đến như một trung tâm thương mại với những ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Tuy nhiên, kinh thành Thăng Long cũng có một khu nông nghiệp thuần túy tập trung ở phía Tây với cái tên mà người dân quen gọi là khu “Thập tam trại” (tức 13 trại).
 
Hà Nội cổ khi xưa chỉ là một làng quê khiêm tốn, đó là một làng nhỏ ven sông Tô Lịch. Hà Nội gốc chủ yếu trồng lúa đủ ăn chứ không giàu có lắm. Các nhà đều có vườn rau và vườn cây ăn quả như bưởi, na, mơ, dừa… Trên những vùng đất bãi trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa… Những con sông Cái, sông Tô lắm cá đã nuôi sống một vạn chài lập ra Tiên Ngư Trại (Trại Cá Tươi). Sau này những người dân chài đã dựng xóm mới, vừa ở, vừa bán cá và hình thành nên phố Hàng Cá  ngày nay.
 
Có lẽ đó là một trong những tác động để khi vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì bên cạnh sự phát triển ngành thương mại với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống thì vẫn tồn tại song song và hoàn thiện dần khu trại nông nghiệp, để phục vụ cho nhu cầu đời sống của tầng lớp vua quan, quý tộc và cả những người dân của kinh thành Thăng Long.
 
Từ thời Lý – Trần, kinh thành được hình thành 61 phố phường. Phường và phố tập trung chủ yếu ở phía ngoài cửa Đông, cửa Nam, cửa Bắc và bao quanh khu Hồ Tây. Còn cửa Tây là Quảng Phúc Môn, mé Quảng trường Ba Đình ngày nay. Phía Tây Thăng Long ngay từ thời Lý đã là khu nông nghiệp của kinh thành và nó cũng được coi là khu nông nghiệp truyền thống của Hà Nội cổ vì cho đến thời Nguyễn khu này vẫn được gọi là sại hay trại chứ chưa bao giờ được gọi là phường phố cả.
 
 
Khu “Thập tam trại” bao gồm: Liễu Giai, Ngọc Hà, Đại Yên, Giảng Võ, Cống Vị, Vạn Bảo (sau đổi là Vạn Phúc), Thủ Lệ, Cống Yên, Hữu Tiệp, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Kim Mã, Xuân Biểu. Trong số 13 trại đó có những tên trại mới đặt từ đời Nguyễn và có trại vốn là thôn mới được tách thành trại. Điều đó chứng tỏ khu “Thập tam trại” hình thành dần dần trong một quá trình lâu dài.
 
Có một huyền tích kể về sự hình thành khu “Thập tam trại”. Vào thời vua Lý Thái Tông (thế kỷ 11) có một nàng công chúa đi chơi thuyền trên sông Thiên Đức (sông Đuống), chẳng may đắm thuyền chết đuối. Cũng có người tô vẽ là công chúa tắm sông và bị thuồng luồng bắt, không tìm thấy xác. Vua ra lệnh phong thưởng hậu cho ai có thể vớt được thi hài của công chúa mang lên. Công việc vô cùng khó khăn và cuối cùng chỉ có một chàng trai vạn chài họ Hoàng - người làng Lệ Mật, huyện Gia Lâm chuyên nghề chài cá và bắt rắn là có thể tìm được xác công chúa lên bờ.
 
Vua định phong cho chàng trai đó làm quan và ban thưởng nhiều bạc lụa. Nhưng chàng trai đã không tham quan tước, bạc lụa mà chỉ xin vua cho phép đem dân nghèo làng mình và mấy làng lân cận sang phía Tây Thăng Long phát cỏ hoang, cây rậm làm trại ấp. Vua chuẩn tấu, nhờ sức dân nghèo Lệ Mật, Gia Lâm, khu “Thập tam trại” đã hình thành. Cứ đến ngày 23 tháng 3 Âm lịch, người dân phụ lão Thập tam trại vẫn theo lệ vượt sông Hồng qua Lệ Mật quê cha đất tổ để làm lễ giỗ thánh. Chính vì vậy, ca dao Hà Nội cổ còn có câu:
 
“Đến ngày hăm ba tháng ba/Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/Kinh quán, cựu quán đề huề/Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây…”
 
Hiện nay, có lẽ trại Ngọc Hà với nghề trồng hoa truyền thống là vẫn còn được nhiều người dân Hà Nội biết đến. Làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng với nhiều loại hoa như hoa hồng, hoa cúc, vi-ô-lét, lay-ơn, hoa păng-xê, bướm, đặc biệt có cả hoa loa kèn và hoa Phăng (cẩm chướng)… Làng Liễu Giai có nghĩa là “con đường trồng cây liễu”.
 
Vào thời Lý - Trần, nơi đây có nhiều dinh thự của các hoàng tử, công chúa. Họ đã trồng nhiều liễu ven các con đường ở phía Tây Kinh thành Thăng Long, để đối xứng với “Hòe Nhai” (con đường trồng hòe ở phía Đông). Đến nay. Liễu Giai được biết đến không phải là con đường trông liễu nổi tiếng xưa mà là một trong những con đường đẹp của Hà Nội. 
 
Do nhu cầu phát triển kinh tế, khu “Thâp tam trại” đến nay chỉ còn là những cái tên, biến đổi thành đường phố hết, hầu như không còn thấy dấu vết của những trại nông nghiệp xưa của Thăng Long. Sự phát triển kinh tế thủ đô dẫn đến sự biến đồi về ngành nghề nhưng cái tên “Thập tam trại” sẽ vẫn là một minh chứng cho sự phát triển kinh tế  nông nghiệp của Thăng Long – Hà Nội xưa.
 
Ngày đăng: 16/11/2014
Lượt xem: 0
Top

Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ:

Mr Dung
0979765119



Danh mục bài viết

Quý khách có thể trực tiếp liên lạc tại phòng vé