Hồ Hữu Tiệp nơi ghi dấu chiến thắng B52
Ngày 27/12/1972, chiếc máy bay B52 bị Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 tên lửa phòng không bắn rơi, một phần của nó đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà, Hà Nội. Nơi đây đã trở thành niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngọc Hà trước là tên một làng, nay là tên một phường trực thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Phường Ngọc Hà ngày nay trước là phần đất của các làng: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên nổi tiếng với nghề trồng hoa và làm thuốc nam.
Đây cũng là nơi duy nhất mà máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội, nên ngoài tên hồ Hữu Tiệp, người dân còn quen gọi là hồ B52. Hiện xác máy bay được giữ lại thành chứng tích lịch sử. Hồ Hữu Tiệp luôn là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, trở thành một bằng chứng không thể chối cãi về sự thất bại của cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ tháng 12/1972.
40 năm trôi qua, câu chuyện 12 ngày đêm và ngày máy bay rơi trên địa phận của làng vẫn còn in dấu ấn trong những người dân, những cán bộ, dân quân tự vệ đã cùng nhau sát cánh chiến đấu để bảo vệ bầu trời Thủ đô trong những ngày tháng làm nên lịch sử.
Ông Đào Hữu Hải, nguyên là cán bộ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, hiện đã nghỉ hưu và sống tại Phường Ngọc Hà cho biết, thời điểm Mỹ tấn công Hà Nội bằng B52, ông nguyên là Hạ sĩ quan thuộc trung đoàn 220, Sư đoàn 361, bộ đội phòng không bảo vệ Hà Nội những năm 1972.
Ông nhớ lại trong chiến dịch 12 ngày đêm, không quân Mỹ đánh phá Hà Nội theo quy luật, ban ngày Mỹ dùng máy bay tiêm kích, cường kích ném bom thuộc lực lượng không quân và máy bay hải quân F4, A4, A6, A7, F8, RA5C đánh phá các mục tiêu như nhà máy, cầu, nhà ga, bến phà, trận địa của bộ đội. Còn từ 20h đêm hôm trước đến 2, 3h sáng hôm sau, Mỹ dùng máy bay B52 kèm theo máy bay F4, cùng loại tầm thấp F111 để bảo vệ và gây nhiễu sóng ra đa, tổ chức vào đánh phá thành phố.
B52 bay vào ném bom Hà Nội theo đội hình chữ “A” gồm 3 chiếc một tốp, bay ở độ cao 9 - 10km ném bom rải thảm theo toạ độ. Sau đó tiếp đến F111 vào đánh các đợt sau.
Đơn vị của ông đóng tại trận địa pháo cao xạ 57 ly ở phố Trịnh Hoài Đức (trước cửa sân vận động Hàng Đẫy) suốt 12 ngày đêm chiến đấu. Đêm ngày 27/12/1972, khi dùng máy quang học quan sát các trận đánh, ông đã chứng kiến từ đầu khi tên lửa của bộ đội phòng không bắn lên đến khi trúng mục tiêu B52 cháy sáng rực bầu trời, rơi xuống khu vực đường Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Hà Nội. Đơn vị của ông đã báo ngay lên cấp trên, có B52 rơi tại khu vực Hoàng Hoa Thám gần vườn hoa Bách Thảo, lúc đó là hơn 11h đêm. Sau đó, trinh sát của đơn vị báo về 1 cánh máy bay B52 rơi tại đường Hoàng Hoa Thám, phần đầu máy bay rơi tại Hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà. Đây là nơi còn lưu giữ xác máy bay B52 cho đến ngày hôm nay.
Nghệ sỹ Anh Thái, năm nay ông đã 76 tuổi, lúc bấy giờ ông là tự vệ của Xưởng phim truyện Việt Nam, đêm đó ông đang làm nhiệm vụ tại khu tập thể của Xưởng phim tại đường Hoàng Hoa Thám. Lúc bấy giờ người dân hầu như đi sơ tán, chỉ còn cán bộ và lực lượng tự vệ ở lại làm nhiệm vụ.
Sau những loạt pháo vang lên, ông nghe rõ tiếng rơi của một vật nặng phía trên đường, lúc đó tiếng súng chiến đấu vẫn vang lên nên nguyên tắc không được ai rời khỏi vị trí. Khoảng tờ mờ sáng, khi lên đường Hoàng Hoa Thám, ông nhìn thấy cánh máy bay B52 với kích thước lớn chắn ngang đường, vị trí này gần trường tiểu học Ba Đình.
Nghệ sỹ nhớ lại, cánh máy bay lúc đó, nhiều tấm đã nguội, nhiều chỗcòn đang bốc khói. Người dân phấn khởi vui mừng, nhiều người còn trèo lên cánh máy bay sung sướng hò reo. Một phần nhỏ khác của máy bay cũng rơi rải rác ở đường Hoàng Hoa Thám nơi gần đường rẽ vào Hồ Hữu Tiệp. Người dân đã nhặt những mảnh vỏ máy bay để làm kỷ niệm, có người chế tạo thành lược chải đầu. Bản thân ông đến những năm sau này vẫn còn giữ lại một dụng cụ dùng hút thuốc làm từ vỏ máy bay B52.
Ngay sau đấy, được tin báo, ông cũng đến ngay Hồ Hữu Tiệp để tận mắt nhìn thấy phần đầu máy bay B52 rơi xuống lòng hồ với bánh máy bay chổng ngược lên trời. Lúc bấy giờ hồ rộng và nước nông, phần xác máy bay rơi xuống là một khối to nặng cắm xuống lòng hồ. Hiện tại, qua nhiều năm tháng phần xác máy bay chỉ còn lại như chúng ta thấy hiện giờ.
Ông Vũ Tiến Đức, nguyên là tự vệ Nhà máy Bia Hà Nội, năm nay ông 65 tuổi, sinh sống tại làng Ngọc Hà. Đêm ngày 27/12/1972, ông trực ca đêm bắt đầu từ 10h tối.Ca trực của ông có 2 người, ông chịu trách nhiệm vận hành thiết bị lạnh để bảo quản men. Khu vực ông trực là trung tâm điện của toàn bộ nhà máy với khoảng 10 cầu dao điện. Khi bắt đầu có tiếng báo động của thành phố, lập tức đèn vàng xuất hiện, khi đèn vàng bật sang đèn đỏ, ông lập tức kéo cầu dao ngắt điện để đảm bảo địch không xác định được mục tiêu.
Tiếng súng vang lên trên khắp thành phố, chỉ một lát sau có tiếng reo hò có máy bay rơi, lập tức chạy ra, ông nhìn thấy bầu trời sáng loà đến mức có thể đọc sách được. Khi báo yên trở lại từ loa công cộng, ông cùng vài người nữa chạy lên khu vực đường Hoàng Hoa Thám chứng kiến cánh máy bay rơi trên mặt đường trong tiếng reo hò vui mừng khôn xiết của người dân tận mắt chứng kiến xác B52 Mỹ./.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn