LÀNG CHIẾN ĐẤU CẢNH DƯƠNG
Cảnh Dương - một trong tám bức tranh hoành tráng, văn vật của Quảng Bình ’’Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim’’. Đến thăm Cảnh Dương từ trung tâm thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) du khách đi ô tô ra phía Bắc theo đường quốc lộ 1A chừng 17km sẽ gặp một làng biển thơ mộng, một làng quê giàu truyền thống khoa bảng, một làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương ở vào một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Là cầu nối liền vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh với phân khu chiến trường Bình Trị Thiên, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, đây chính là mục tiêu chiến lược quân sự mà thực dân Pháp cần đánh chiếm để hòng chặt đứt mạch máu giao thông, chiếm giữ Đèo Ngang và làm vị trí tiền tiêu quan trọng. Đặc biệt, với vị thế ở sát biển, gần đường quốc lộ 1A rất thuận tiện cho việc tiến quân về mặt giao thông thủy bộ, nếu chiếm được Cảnh Dương thì cả khu vực Roòn dễ dàng nằm trong vòng kiểm soát của thực dân Pháp.
Nhận rõ vị trí xung yếu của mình, ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, Cảnh Dương đã phát động toàn dân đem hết sức người, sức của ra xây dựng, bố phòng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hàng trăm người đã lên rừng chặt gỗ; các gia đình đã dỡ nhà để lấy cột, kèo, đòn tay để rào làng. Cả làng được che chở trong ba lớp rào dày đặc. hàng trăm thùng gỗ dùng để chế biến nước mắm đã huy động đựng cát dựng thành lũy, hàng trăm tường nhà đã được đục thủng làm đường giao thông để dân quân du kích di chuyển trong chiến đấu. Để ngăn chặn tàu địch đánh vào cửa biển, nhân dân Cảnh Dương đã tiến hành ngăn sông Roòn. Họ dùng 28 chiếc ghe có trọng tải từ 20 đến 60 tấn được sắp đá vào cho đắm chìm dưới nước và chất kè đá thêm ở hai đầu bờ sông làm thành một kè dài từ đầu làng sang bến đò thôn Bắc Hà. ở cửa lạch, nhân dân đóng cọc bằng gỗ để bịt luồng chính. Trên ba hướng vào làng đều có đặt vọng gác, trạm quan sát tàu biển, quy định lệnh báo động, cắt cử người tuần tra canh gác suốt ngày đêm. Cả Cảnh Dương như một pháo đài nổi nằm cạnh sông, biển sẵn sàng đánh trả quân cướp nước. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân du kích được huấn luyện kỹ về lối đánh du kích và phòng thủ theo kế hoạch kháng chiến. Chính vì vậy, trong vòng hơn một năm từ sau cách mạng tháng Tám đến trước ngày 27/3/1947, với sự nổ lực lớn chi bộ Đảng đã lãnh đạo quân và dân xây dựng Cảnh Dương thành một làng chiến đấu, đủ sức đánh bại các cuộc tấn công có quy mô lớn của thực dân Pháp.
Giữa năm 1948, sau khi chiếm xong các vị trí Thanh Khê Ba Đồn, thực dân Pháp đã mở nhiều cuộc càn ra khu vực Roòn, hòng chiếm giữ Đèo Ngang nhằm cắt đứt mọi sự chi viện của ta từ miền Bắc vào chiến trường Bình - Trị - Thiên qua quốc lộ 1A và đường biển. Ngày 6/5/1948, giặc Pháp huy động hơn 300 tên chia làm hai mũi tấn công vào Cảnh Dương (thủy, bộ), nhưng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng dân quân du kích. Hai bên giằng co nhau suốt cả ngày, ta diệt được tên quan hai Pháp và làm bị thương hai tên khác. Địch không chiếm được Cảnh Dương buộc phải rút quân. Thắng lợi trong trận càn này đã cổ vũ thêm tinh thần quyết tâm đánh giặc giữ làng của nhân dân Cảnh Dương.
Cay cú trước thất bại, ngày 6, đến ngày 12/5/1948 giặc Pháp lại điều thêm một tiểu đoàn có pháo và ca nô yểm trợ chia thành hai hướng đánh vào Cảnh Dương, nhưng chúng cũng bị nhân dân Cảnh Dương đánh trả quyết liệt kết quả đã tiêu diệt được 11 tên địch và làm bị thương 10 tên khác.
Không chiếm được pháo đài kiên cố làng Chiến đấu Cảnh Dương, không uy hiếp được vùng Roòn, giặc Pháp càng tăng cường bắn phá ác liệt hơn. Năm giờ sáng ngày 12/7/1948 địch bắt đầu tấn công vào cùng Roòn với lực lượng trên 1.000 quân có máy bay yểm trợ. Lần này chúng không đánh thẳng vào Cảnh Dương mà cho 250 quân nhảy dù xuống các làng như Kim Long, Phú Lộc ở Tây Bắc Roòn, nhằm uy hiếp tinh thần và dùng đó làm bàn đạp tấn công vào Cảnh Dương. Nhận định được tình hình thực dân Pháp sẽ tập trung tấn công làng Cảnh Dương, ban chỉ huy thôn đội chủ trương cho đồng bào đi tản cư, còn lực lượng dân quân du kích chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, đảng viên, dân quân du kích đã tập trung tại đình thờ tổ, dưới lá cờ quốc kỳ làm lễ tuyên thệ “Quyết tử giữ làng” làm tăng thêm dũng khí chiến đấu cho mọi người. Đúng như dự đoán, sáng ngày 12/7/1948 Pháp tấn công vào làng nhưng không thể chọc thủng phòng tuyến của ta, đến 10 giờ chúng phải rút lui.
Năm 1953, thực hiện kế hoạch tiến công chiến lược của Nava, thực dân Pháp lại liều lĩnh tấn công vào Cảnh Dương một lần nữa. Đó là trận đánh vào đêm 3/6/1953. Quân địch lợi dụng đêm tối đỗ quân ở Di Luân, Di Lộc rồi áp sát hàng rào của làng. Dân quân Cảnh Dương sau phút bất ngờ đã kịp thời tổ chức phản kích quyết liệt. Trong trận này du kích Cảnh Dương đã bị thiệt hại nặng song vẫn đánh bật được quân Pháp ra khỏi làng. Máu của đồng bào, du kích Cảnh Dương đã đỗ xuống trên các nẽo đường thôn xóm, ghi thêm trang sử hào hùng của một làng chiến đấu kiên cường. Sau trận này, giặc Pháp phải từ bỏ âm mưu bình định Cảnh Dương. Từ đó Cảnh Dương là cửa ngõ an toàn của vùng tự do Bắc Quảng Trạch nối liền với Thanh - Nghệ Tĩnh.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhân dân Cảnh Dương không những đã xây dựng quê hương mình thành một làng chiến đấu kiểu mẫu theo đường lối chiến tranh nhân dân, đã chống trả hơn 120 trận càn lớn nhỏ, trong đó đã đánh bại 4 trận càn có quy mô lớn, tiêu diệt 84 tên địch và làm bị thương 112 tên, mà còn làm tốt công tác hậu phương phục vụ chiến đấu, đóng góp hơn 5.000 ngày công vận tải đường bộ, có 237 người nhập ngũ...
Tên tuổi làng chiến đấu Cảnh Dương đã trở thành một biểu tượng mẫu mực đối với nhân dân Quảng Bình cũng như nhân dân cả nước. Với những đóng góp to lớn và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, Cảnh Dương đã được Quốc hội và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương chiến công hạng nhất, 2 Huân chương chiến công hạng hai, 1 Huân chương chiến công hạng ba và 1 Huân chương quân công hạng ba.
Phát huy truyền thống của “làng chiến đấu” trong chống Pháp, thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân Cảnh Dương đã bám đất bám làng để bắn máy bay, tàu chiến, vận tải đường biển, đường sông, một trong những điểm tập kết vận chuyển của chiến dịch VT5. Cảnh Dương đã làm tròn nhiệm vụ của một làng chiến đấu, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.
Ngày 2/9/1976, Cảnh Dương đã được Quốc Hội và Chính phủ phong tặng danh hiệu ’’Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong sản xuất, ở vào thời điểm nào Cảnh Dương vẫn phát huy được truyền thống của mình, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu mà Bác Hồ kính yêu đã gửi tặng: “Cảnh Dương - làng chiến đấu anh dũng”.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn