LĂNG MỘ VÀ NHÀ BIA TƯỞNG NIỆM DANH TƯỚNG CẦN VƯƠNG MAI LƯỢNG
Từ bến thuyền ở cầu Gianh, du khách ngược dòng sông Gianh bằng thuyền, rẽ vào nguồn sông Rào Nan chừng 7 km; hoặc từ ga xe lửa Minh Lệ, ngược về phía Bắc theo đường liên xã 2 km là đến di tích lăng mộ danh tướng Mai Lượng.
Lăng mộ lãnh binh Mai Lượng nằm dưới chân Hòn Nậy, phía Nam sông Rào Nan, thuộc thôn Đông Hà xã Quảng Sơn. Nhà bia tưởng niệm danh tướng Mai Lượng xây dựng tại thôn Thọ Linh, phía Bắc sông Rào Nan.
Hưởng ứng phong trào Cần Vương, nhân dân Quảng Bình cùng các sĩ phu, văn thân yêu nước tiến hành một cuộc kháng chiến gian khổ, oanh liệt chống lại triều đình Huế bán nước và thực dân Pháp xâm lược.
Phong trào Cần Vương ở Quảng Bình với những lãnh tụ xuất sắc như: Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực v.v. . . Lãnh binh Mai Lượng là một võ tướng đã có nhiều công lao lớn đối với phong trào.
Mai Lượng sinh năm Mậu Tuất (1838) tại làng Thọ Linh (nay thuộc xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch).
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, ông đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông được anh ruột nuôi dạy và cho ăn học. Từ thuở thiếu thời ông đã tỏ rõ tư chất thông minh, có ý chí và nghị lực được mọi người yêu mến.
Cùng với việc học tập văn chương, ông thường xuyên luyện tập võ nghệ với các trai tráng trong làng. Khoa thi Hội võ tổ chức ngày 02 tháng 5 năm Ất Sửu (26-5-1865) dưới triều vua Tự Đức tại kinh thành Huế, ông tham gia ứng thi và đỗ cử nhân võ.
Sau khi thi đỗ cử nhân võ, ông được triều đình Huế sung vào quân ngũ, lúc này ông ở tuổi 27. Nhờ có võ nghệ cao cường, sau một thời gian ông được phong chức Hiệp quản (Hiệp quản là một chức vụ quân sự quan trọng của triều đình).
Ngay từ những ngày đầu làm quan, Hiệp quản Mai Lượng đã tỏ rõ ý chí độc lập dân tộc. Ông thường phê phán những hành động, yếu hèn và bất lực của triều đình.
Trước sự tấn công của thực dân Pháp, Triều đình Huế đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, và cuối cùng, ngày (6-6-1884) Hiệp ước Patenotre được triều đình nhà Nguyễn ký kết với thực dân Pháp tại tòa Khâm sứ Huế.
Nhiều vị quan lại, sĩ phu yêu nước hết sức phẫn uất trước hành động bán nước của triều đình, đã từ quan về quê ở ẩn, trong đó có Mai Lượng.
Sau sự kiện được gọi là ''Sự biến kinh thành Huế'' ngày 23-5 Ất Dậu (5-7-1885), vua Hàm Nghi xuất bôn ra Sơn Phòng Tân Sở - Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp cứu nước. Từ đó phong trào Cần Vương mà thực chất là phong trào yêu nước, đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, chống triều đình Huế bán nước được phát động và ngày càng sôi nổi.
Lĩnh chiếu Cần Vương, Mai Lượng tập hợp lực lượng lên đường đánh giặc. Khi xa giá vua Hàm Nghi ra đến Quảng Bình, ông là một trong số các quan lại đầu tiên ở Quảng Bình đến yết kiến vua Hàm Nghi và Sơn Triều (tức triều đình Hàm Nghi).
Ông được vua Hàm Nghi phong chức Lãnh binh. Lãnh sứ mệnh triều đình giao phó, ông về quê nhà chiêu mộ dân binh nghĩa dũng tập hợp lực lượng kháng chiến tại địa bàn vùng hữu ngạn sông Gianh (địa bàn của Lê Trực ở phía tả ngạn).
Phối hợp với nghĩa quân của các lãnh tụ khác như: Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Bạch Xĩ... Nghĩa quân Mai Lượng đã hình thành một vùng căn cứ địa rộng lớn ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Dưới quyền chỉ huy của ông, số nghĩa binh có lúc đã lên đến nghìn người, được biên chế tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ. Căn cứ của nghĩa quân Mai Lượng trải dài từ Cao Mại (nay thuộc xã Cao Quảng - Tuyên Hóa) đến vùng Troóc (nay thuộc xã Phúc Trạch - Bố Trạch). Trong khu căn cứ, việc bố phòng được triển khai chặt chẽ, có nơi để binh sĩ luyện tập, có xưởng rèn đúc vũ khí, khu sản xuất tăng gia... Nghĩa quân Mai Lượng thường sử dụng lối đánh du kích, khi xung trận rất đũng mãnh và mưu trí. Với sự lãnh đạo thông minh, nghĩa quân đoàn kết một lòng, giặc Pháp nhiều phen đã phải chịu những tổn thất nặng nề.
Hoạt động mạnh mẽ nhất của nghĩa quân Mai Lượng là những năm từ 1886 đến đầu năm 1889. Lãnh binh Mai Lượng và nghĩa quân dưới sự chỉ huy của ông đã góp phần bảo vệ triều đình Hàm Nghi, gây cho quân đội triều đình và thực dân Pháp xâm lược những tổn thất nặng nề.
Ngày 24-3 năm Canh Dần (12-5-1890) sau một thời gian lâm bệnh nặng Mai Lượng đã qua đời tại Cao Mại, mộ của ông sau đó được cải táng và đem về mai táng tại quê nhà.
Lịch sử dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước có biết bao tấm gương hy sinh quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cuộc đời chiến đấu và những chiến công của vị tướng tiêu biểu Mai Lượng trong phong trào Cần Vương chống Pháp xứng đáng được lịch sử ghi nhận.
Từ khi ra làm quan đến khi qua đời, ông một lòng vì nhân dân, vì đất nước. Ông đã chiến đấu hết mình, đã làm cho địch gặp nhiều khó khăn và tổn thất. Khi phong trào Cần Vương gần như thất bại (với việc vua Hàm Nghi bị bắt), ông vẫn không thoái chí, vẫn tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân kháng chiến. Ông đã vượt qua tầm nhìn hạn chế của các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ là ''Trung quân ái quốc'', mặc dù vua Hàm Nghi đã bị bắt, người ''Lãnh tụ tinh thần' và ''Minh quân'' của phong trào không còn thì ông và nghĩa quân vẫn không vì thế mà tan rã, không vì thế mà thoái chí. Họ vẫn chiến đấu, vẫn tiếp tục kháng chiến vì độc lập cho dân tộc.
Lăng mộ Mai Lượng tọa lạc trên một địa hình sơn thuỷ hữu tình, phía sau là Hòn Nậy với những rừng cây thông xanh rì quanh năm, phía trước là sông Rào Nan uốn lượn như dãi lụa, xa xa là những cánh đồng lúa và những xóm làng dân cư. Đến với khu di tích, ngoài việc được thăm lăng mộ và hiểu được cuộc đời một danh tướng của phong trào Cần Vương, du khách còn được ngắm cảnh đẹp của vùng quê miền trung lưu sông Gianh.
Nhà bia tưởng niệm danh tướng Mai Lượng được xây dựng trong khuôn viên từ đường chi tộc họ Mai ở thôn Thọ Linh. Đây cũng là nơi thờ bài vị ông và hai cụ thân sinh ông Mai Lượng. Nhà bia xây dựng theo lối kiến trúc mới, tại đây có bia đá do con cháu tộc Mai tạo lập ghi tạc công lao của Mai Lượng. Ngôi từ đường gồm 3 gian theo lối kiến trúc cũ, nguyên đây cũng chính là nơi danh tướng sinh sống thuở thiếu thời.
Mai lượng là một danh tướng có nhiều đóng góp cho phong trào Cần Vương nói riêng, cho sự nghiệp bảo vệ đất nước của dân tộc ta nói chung. Tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử, được nhiều người yêu mến. Di tích gồm lăng mộ, nhà bia tưởng niệm, nhà từ đường và những di vật còn lại gắn bó với cuộc đời ông.
Hàng năm đến ngày 24-4 Âm lịch con cháu lãnh binh Mai Lượng cùng nhân dân và chính quyền địa phương đều làm giỗ và dâng hương tưởng niệm Mai Lượng - một danh tướng xuất sắc trong phong trào Cần Vương thế kỷ XIX.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn