Đặt vé tại Sài Gòn 0934 476 522
Đặt vé tại Hà Nội 0903.295392
Liên hệ đặt vé toàn quốc 0979 765 119

TRẬN ĐỊA PHÁO QUANG PHÚ

Trận địa pháo Quang Phú trải dài ven biển Nhật Lệ, cách thị xã Đồng Hới 3 km về phía Đông Bắc, thuộc địa phận Xã Quang Phú (trước đây là xã Lộc Ninh). Lộc Ninh là một xã ven biển, có truyền thống anh hùng trong sản xuất và chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Ninh là địa bàn ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, là bức “phên dậu” phía Bắc của thị xã Đồng Hới. Nhận thức được điều đó, ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Lộc Ninh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu và hành động của kẻ thù. 
 
Năm 1964, trước những bước leo thang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch cho xây dựng tuyến phòng thủ ven biển Lộc Ninh với hệ thống hầm pháo và lô cốt kiên cố bằng bê tông nữa chìm, nữa nổi trên mặt đất. Hệ thống hầm hào này được bố trí nằm rãi rác dọc ven biển, được xây dựng trên những vùng đất cao, cửa hướng ra biển. Trong mỗi hầm pháo có xây thêm các ngách hầm để khi cần có thể làm nơi trú ẩn an toàn cho các lực lượng chiến đấu của ta. Bên cạnh mỗi hầm pháo là Đài quan sát được xây cao 2,5m và có các bậc thang để lên xuống hầm pháo.
 
Xen giữa các hầm pháo kiên cố là hệ thống lô cốt được xây theo hình tròn và hình bán nguyệt, có cửa ra vào, phía trên xây bít chỉ chừa lỗ thông hơi. Xung quanh có các lô châu mai để đặt súng chiến đấu.
 
Kết quả hình ảnh cho TRẬN ĐỊA PHÁO QUANG PHÚ
 
Từ trận địa là hệ thống giao thông hào được quân và dân Lộc Ninh đào đắp vào đến tận từng thôn. Các tuyến giao thông này được đào sâu từ 1,5 - 2m, hai bên có đóng cọc tre, gỗ để ngăn cát. Vì vậy, trong những năm chiến tranh ác liệt, quân và dân Lộc Ninh vừa đảm bảo chiến đấu bảo vệ bờ biển quê hương, vừa giữ vững sản xuất, đánh bắt hải sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, nhiều năm liền HTX Quang Phú của xã Lộc Ninh là lá cờ đầu của Ngành Thủy sản toàn miền Bắc, vinh dự được Quốc hội và chính phủ tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”.
 
Cuối năm 1966, bị thua đau ở cả hai miền Nam Bắc, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá, đặc biệt là nhằm vào các tuyến phòng thủ ven biển của ta. Trước tình hình trên, các tỉnh ven biển của ta cũng đã chuẩn bị mọi mặt, kiên quyết đánh thắng ngay từ đầu bước leo thang của đế quốc Mỹ.
 
Đầu năm 1968, BCH Tỉnh đội Quảng Bình quyết định điều đại đội 10 (C10) pháo binh về bám trụ tại trận địa ven biển Lộc Ninh. Đây là đại đội pháo binh được thành lập vào tháng 12 năm 1965 tại xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, là đơn vị Pháo binh có thành tích bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến giặc, được bà con nhân dân ven biển Quảng Bình gọi bằng cái tên “Thần đánh tàu” với tất cả sự mến phục và tin yêu.
 
Tại trận địa ven biển Lộc Ninh, được sự phối hợp của các lực lượng quân và dân Lộc Ninh, Đại đội 10 đã chiến đấu hàng chục trận, bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến Mỹ. Trận đánh đầu tiên trên biển Lộc Ninh là trận đánh ngày 25-4-1968, bắn cháy 2 tàu khu trục của biệt kích Mỹ trong lúc chúng đang đuổi bắt các thuyền dân đánh cá của ta. Đây là trận đánh có ý nghĩa to lớn đối với cuộc chiến tranh đang vào thời điểm ác liệt; đồng thời, chiến công đó cũng đã góp phần thắt chặt thêm tình nghĩa dân - quân và là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao cho cán bộ, chiến sỹ C10 trong những trận đánh tiếp theo.
 
Ngày 6-4-1968, cũng tại trận địa ven biển, khẩu đội 12ly7 của đại đội dân quân Lộc Ninh chỉ bằng hai loạt đạn đã bắn cháy một máy bay F4H của đế quốc Mỹ. Cũng là chiếc máy bay thứ 400 trên đất Quảng Bình. Sau chiến công này, Bác Hồ gửi thư khen đồng bào và chiến sỹ Quảng Bình đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ. Bác căn dặn: “Quân và dân Quảng Bình hãy phát huy thắng lợi, ra sức học tập và thi đua với đồng bào miền Nam anh hùng, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần vào sự nghiệp thiêng liêng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà”.
 
Trận đánh tiêu biểu nhất tại trận địa ven biển Quang Phú là trận đánh ngày 9-4-1972. Nhờ có sự chuẩn bị từ trước lại được sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng địa phương nên sau hơn một ngày, dù không tránh khỏi tổn thất, hy sinh, đại đội 10 pháo binh đã bắn tan xác ba tàu khu trục của giặc Mỹ và bắn bị thương hai chiếc khác. Sau trận đánh này, đã có ba chiến sỹ được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay tại trận địa.
 
Trải qua 8 năm (từ 1964-1972), trận địa ven bờ biển này đã chứng kiến hàng loạt chiến công của quân và dân Quảng Bình, bắn cháy bắn chìm hàng chục tàu chiến của đế quốc Mỹ, đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của bọn cướp biển, giữ yên cửa ngõ của thị xã Đồng Hới. Những chiến công của quân và dân Quảng Bình đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
 
Chiến tranh đã đi qua, trận địa pháo Quang Phú giờ đây không còn tiếng bom, tiếng súng. Song những chiến công oanh liệt của quân và dân ta tại trận địa ven biển này đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Hiện nay, trải qua thời gian, trận địa pháo đã có nhiều thay đổi, song hệ thống hầm pháo và lô cốt thì gần như vẫn còn nguyên vẹn, hiên ngang đứng giữa trời mưa nắng. Di tích Trận địa pháo Quang Phú chính là bằng chứng sinh động về tinh thần quả cảm kiên cường bám trụ vùng biển quê hương của quân và dân ta, là biểu hiện cho sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân. Di tích có giá trị giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cũng như truyền thống đánh giặc của cha ông đối với các thế hệ. Bên cạnh đó, di tích còn có giá trị trong việc tham quan du lịch đối với du khách trong nước và nước ngoài. Tương lai không xa, di tích Trận địa pháo Quang Phú sẽ là một điểm sáng về du lịch bên cạnh bãi tắm Nhật Lệ đầy quyến rũ vẫy gọi khách thập phương về với Đồng Hới, với Quảng Bình yêu thương và anh dũng.
 
Ngày đăng: 06/07/2014
Lượt xem: 0
Top

Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ:

Mr Dung
0979765119



Danh mục bài viết

Quý khách có thể trực tiếp liên lạc tại phòng vé