XÃ CHIẾN ĐẤU HƯNG ĐẠO
Phía Đông Nam cánh đồng thẳng cánh cò bay của huyện Lệ Thủy có 1 dãy đất cơ hồ chỉ toàn là núi đồi và cát trắng chạy dài đến tận khu vực Vĩnh Linh. Đó là phần đất cuối cùng về phía Nam của tỉnh Quảng Bình mà trong những ngày đánh Pháp từng mang tên của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Theo gia phả của một số dòng họ, Hưng Đạo được thành lập vào khoảng năm Quang Thuận (Canh Thiên 1460). Thời mới thành lập, xã nằm trong tổng Thủy Liên (gồm 19 làng xã). Đầu thời Nguyễn (Gia Long), xã Hưng Đạo thuộc huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Bình. Sau cách mạng tháng 8-1945, UBND cách mạng lâm thời huyện đã thống nhất thành lập các xã mới trong đó có xã Hưng Đạo (2-1946). Trải qua chiều dài lịch sử tên xã cũng như địa giới hành chính có nhiều thay đổi, ngày nay cụm trung tâm di tích lịch sử xã chiến đấu Hưng Đạo thuộc xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Hưng Đạo là một xã bán sơn địa nằm trên đường quốc lộ 1A, có chiều dài 18km, chiều rộng khoảng 8km. Ở vào vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế dân sinh và rất quan trọng về an ninh quốc phòng, với truyền thống cần cù lao động, có tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cao là cội nguồn cho những bước phát triển của Hưng Đạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, xóm làng. Từ buổi quân Tây Sơn đánh đuổi giặc Thanh cho đến phong trào Cần Vương chống Pháp, hơn bao giờ hết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tinh thần yêu nước ngày càng phát huy mạnh mẽ.
Trong cách mạng tháng 8, cũng như những nơi khác trên toàn cõi Việt Nam, nhân dân Hưng Đạo được hai anh Lê Đồng xã đội trưởng và Lê Cận dẫn đầu với khoảng 300 nông dân vùng Tứ Sen xuống đường đấu tranh với tên địa chủ Trần Xương, đưa yêu sách buộc chúng chấp nhận.
Sau cách mạng tháng 8-1945, cơ sở Đảng từ 2 đảng viên tăng lên 8 đảng viên, tổ chức thành một tổ sinh hoạt trong chi bộ xã Duy Tân tức là chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực cũ.
Thực dân Pháp phản bội tạm ước 4-6-1946 và khởi hấn ở Nam Bộ. Sau một năm xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, nhân dân Hưng Đạo lại bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Trên dãi đất khô cằn Tổng Sen vừa được cơn mưa rào cách mạng tưới mát, bắt đầu nổ ra một cuộc đọ sức giữa một bên là quân đội viễn chinh Pháp có đầy đủ vũ khí, phương tiện tối tân và một bên là những người dân vũ khí thô sơ nhưng rực lửa căm thù. Cuộc đọ sức ấy đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt trong suốt 8 năm trường kháng chiến.
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Ủy ban kháng chiến các cấp được thành lập và ra lời kêu gọi động viên nhân dân ra sức chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến.
Ngày 27-3-1947, Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến. Ngay từ đầu kẻ địch nhận thấy vị trí quan trọng của Hưng Đạo là cửa ngõ án ngữ con đường chiến lược quan trọng từ Huế ra Quảng Bình, thực dân Pháp bằng mọi cách đánh chiếm cho được Hưng Đạo dù phải trả một giá rất đắt.
Chúng coi đây là ’’yết hầu’’ về mặt quân sự, là nơi có thể cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh xâm lược. Vì vậy, sau khi chiếm được Đồng Hới, tháng 7-1947 chiếm được đồng bằng Lệ Thủy, quân Pháp chiếm về xã Hưng Đạo, đóng ba vị trí: Sen Hạ, Phú Thiết và chợ Mai. Mỗi vị trí có một đại đội đóng giữ để án ngữ vùng giáp ranh giữa Quảng Bình, Quảng Trị và con đường giao thông huyết mạch quốc lộ 1A. Dựa vào bọn địa chủ cường hào, chúng tổ chức ra hội tề và hương vệ khắp thôn, bắt nhân dân rào làng, thành lập 30 bốt gác ngày đêm có hương vệ canh phòng báo động.
Trước sự khủng bố gắt gao của địch, số cán bộ, đảng viên bị lộ phải lên chiến khu. Chi bộ còn 3 đồng chí nhưng chẳng bao lâu lại sa vào tay giặc.
Sau gần một năm xây dựng, tình hình bắt đầu có sự chuyển biến. Tháng 12-1948, Chi bộ Hưng Đạo tổ chức hội nghị bất thường để quán triệt tình hình mới, lúc này số đảng viên đã tăng lên 50 người, thành lập 3 tổ. Đồng chí Đinh Duy Trịnh được cử làm Bí thư kiêm chủ tịch xã Hưng Đạo, đồng chí Lê Đồng làm xã đội trưởng, đồng chí Hoàng Sỹ Kiểm làm xã đội phó.
Thực hiện khẩu hiệu “Mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng, mỗi xã là một pháo đài”. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân, du kích đã đào được hàng trăm hầm, hàng chục km hào giao thông vòng quanh các làng, xóm nối xóm, thôn nối thôn. Không kể già trẻ, gái, trai tất cả mọi người đều tham gia chặt tre, chất thành lũy, rào cao từ 1,5m đến 2m. Tính chung cả xã có hơn 20km chiều dài, 2,5km chiều rộng hàng rào. Trên hệ thống hàng rào đó có các hệ thống tín hiệu chặt chẽ, có địch đến là có tiếng mõ báo động lan truyền nhanh nhạy, gây cho địch nỗi lo sợ về chiến tranh du kích.
Trong 8 năm kháng chiến gian khổ và oanh liệt đó, nhân dân, du kích Hưng Đạo đánh phục kích 66 trận (chỉ tính những trận tương đối lớn) phối hợp với bộ đội 25 trận, tiêu diệt trên 1.100 tên địch, bắt sống 17 tên, thu 73 khẩu súng, phá hủy 1 pháo đài 75 ly, 6 xe quân sự, đốt phá 30 đồn bốt địch, phối hợp với bộ đội tiêu diệt 1 đồn địch và 5 lô cốt lớn. Cất dấu và vận chuyển hơn 200 tấn vũ khí và lương thực từ bờ biển lên chiến khu, đóng góp gần một vạn ngày công phục vụ hoả tuyến. Hưng Đạo trở thành “xã chiến đấu kiểu mẫu” của Liên khu IV của Quảng Bình.
Di tích Làng chiến đấu Hưng Đạo là niềm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng, về tinh thần cách mạng của nhân dân Hưng Đạo nói riêng, của Quảng Bình và cả nước nói chung. Những địa danh như: Dốc sỏi, Cống nước lạnh... Những kinh nghiệm qua thực tiễn ở Hưng Đạo đã đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng kinh nghiệm chiến tranh của dân tộc, làm sâu sắc hơn nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Nằm trong quy luật chung của cuộc chiến tranh cách mạng cả nước, cuộc kháng chiến của nhân dân Hưng Đạo là một minh chứng hùng hồn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng ta. Cuộc chiến tranh nhân dân đó đã giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt: tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch quan trọng, phá tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của địch, đánh phá liên tục, làm tê liệt căn bản con đường giao thông chiến lược của địch, ngăn chặn sự chi viện của bọn địch từ Huế ra, đồng thời giữ vững được tuyến đường tiếp tế vận tải của ta. Tạo ra chiến trường cho quân chủ lực hoạt động. Di tích là nguồn động viên, giáo dục đối với các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về một thời oanh liệt, đầy khí phách anh dũng của cha anh đi trước.
-
Các bài liên quan
- Vé máy bay từ Vân Đồn đi Sài Gòn
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Bamboo Airway
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của Vietjet Air
- Vé máy bay đi Sài Gòn từ Vân Đồn của VN Airlines
- Giá vé và giờ mở cửa thăm quan Dinh Độc Lập
- 10 điều tuyệt vời chỉ có ở Sài gòn
- Những lưu ý khi du lịch Sài Gòn
- Kinh nghiệm du lịch bụi ở Sài Gòn
- 100 “đặc sản” du lịch của TP. HCM
- Trải nghiệm mua sắm khi du lịch TP HCM
- 8 chỗ đi chơi lý tưởng trong 1 ngày ở Sài Gòn
- Các địa điểm đi chơi quanh Sài Gòn - Khu du lịch sinh thái Vàm Sát
- Những địa điểm hẹn hò Valentine lãng mạn cho các cặp đôi ở Sài Gòn
- Các khu phố ẩm thực Sài Gòn
- Khu vui chơi ở TP Hồ Chí Minh
- Tham quan & Du ngoạn Sài Gòn
- Tổng quan du lịch Sài Gòn
- Thông xe toàn tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
- Địa đạo Củ Chi - TP Hồ Chí Minh
- Thú vui câu cá người Sài Gòn