Đặt vé tại Sài Gòn 0934 476 522
Đặt vé tại Hà Nội 0903.295392
Liên hệ đặt vé toàn quốc 0979 765 119

Di tích lịch sử Quảng Bình

 

 Quảng Bình Quan

 

Quảng Bình Quan (mới phục chế lại) hiện đang ở trung tâm phường Hải Đình giữa bốn ngả đường: phía Tây là đường đi lên Đức Ninh, phía Đông là đường Mẹ Suốt đi xuống bến sông Nhật Lệ, phía Bắc là đường đi Hà Nội, phía Nam là đường đi Huế.

Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi. Người thì nói đó là cửa vào dinh Quảng Bình, người thì nói Cổng Bình Quan.

Trước Cách mạng tháng 8-1945, Quảng Bình Quan (phía đường Đức Ninh) còn có hào ngoài thành, có cầu gạch vòng qua hào và phía ngã ba giữa hai con đường Đức Ninh và Cầu Rào (ngày xưa thời chúa Nguyễn là đường thiên lý và đường thượng đạo) còn có một âm hồn trên một nghĩa địa lớn.

Quảng Bình Quan bị quân đội Pháp phá hủy khi họ rút khỏi Đồng Hới năm 1954, sau đó Nhà nước ta xây lại gần giống như cũ. Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay của Mỹ đánh tan. Hiện nay nhân dân Đồng Hới và Nhà nước đã phục chế lại. (Gần đúng như cũ).

Sự thật, trên chiều dài hơn 3.000 trượng, Luỹ Đâu Mâu - Nhật Lệ có ba cửa quan, nhưng sử cũ chỉ chép có hai. Ba cửa ấy là:

   1. Cửa vào dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình Quan (dân gian gọi là Cổng Bình Quan).   
   2. Cửa Lý Chính Đại Quan Môn, Vua Minh Mạng đổi là Võ Thắng Quan, dân gian gọi là Cổng Thượng.
   3. Cửa Thủ Ngự tại cửa biển Nhật Lệ (sử không chép nay cũng mất)

 

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh

 

Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi cao, cây cối thoáng mát của dẫy núi An Mã thuộc xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy. Nguyễn Hữu Cảnh là quan có công lớn dưới thời chúa Nguyễn trong việc đánh giặc, mở cõi, định hình lãnh thổ Việt Nam trong một quốc gia thống nhất.

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông được phong tước Lễ Thành Hầu, Khai Quốc Công Thần, liệt vào hạng Thượng Đẳng Công Thần và thờ ở Thái Miếu. Ông mất ngày 9 tháng 5 Canh Thìn (1770), an táng tại Cù Lao Phố cạnh dinh Trấn Biên, Đồng Nai. Đến năm 1802, di hài của Nguyễn Hữu Cảnh được hậu duệ cải về an táng tại xã Trường Thủy.

Hiện nay trong khuôn viên Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh ở Quảng Bình còn tấm bia đá rất có giá trị. Bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh cao khoảng 1,2m, được tạc bằng đá xanh (cẩm thạch). Sau khi ông mất nhân dân miền Nam nói chung và nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lập miếu thờ ông ở nhiều nơi.
Dù mấy thế kỷ đã đi qua xong tên tuổi và sự nghiêp của Nguyễn Hữu Cảnh còn mãi khắc ghi với người dân Việt nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng. “Công Lễ Thành Hầu đi mở đất Nghìn năm con cháu mãi còn ghi”

 

Lũy Đào Duy Từ

 

Người Quảng Bình, từ người dân quê đến nhà nho học thuở Xưa, không mấy ai không biết đến câu ca dao:

’’Luỹ Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu’’

Luỹ Đào Duy Từ (còn gọi là Lũy Thầy) gắn liền với nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ. Ông là người xã Hoa Trai, huyện Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Luỹ  được ông hiến kế xây dựng bằng tất cả tài năng và tâm huyết của mình, nó là một hệ thống thành luỹ mang tính chất phòng ngự được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII) gồm các luỹ: Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa thuộc thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh.

Trong suốt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, luỹ Đào Duy Từ phải chống đỡ với rất nhiều cuộc tấn công của quân Trịnh, nhưng chưa bao giờ bị thất thủ mà ngược lại đã giáng cho quân Trịnh nhiều đòn đau. Năm 1633 Trịnh Tráng kéo quân đến cửa biển Nhật Lệ dàn trận đánh quân Nguyễn, bị quân Nguyễn đánh cho tơi bời, quân Trịnh vứt bỏ xe pháo mà chạy không dám ngoái đầu lại. Năm 1648 quân Trịnh tấn công quân Nguyễn tại luỹ Trường Dục nhưng chẳng những không đạt được mục đích của mình mà còn thiệt hại nghiêm trọng: 3000 lính cùng với 3 tướng lĩnh cao cấp bị bắt làm tù binh (l). Đến năm 1672 quân Trịnh với lực lượng hùng hậu đã tiến đánh vào luỹ Nhật Lệ và đây là lần giao tranh ác liệt nhất trong lịch sử cuộc nội chiến với 6 lần liên tục tấn công vào mặt luỹ nhưng vẫn không được. Cuối cùng quân Trịnh phải ôm hận rút lui và không cách nào hạ được luỹ.

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc quân sự, luỹ Đào Duy Từ đã được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia.

Bến phà Nguyễn Văn Trỗi

 

Gần vị trí cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh hiện nay là bến phà Xuân Sơn, một địa danh bị đánh phá ác liệt được ví như “túi bom” của vùng chảo lửa. Năm 1966, do yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng với việc mở đường 20 Quyết Thắng nối Đông-Tây Trường Sơn, phà Xuân Sơn do ty Giao thông Quảng Bình phụ trách phà 18 tấn hoạt động. Đến tháng 12-1966 thì đại đội 16 của Binh trạm 14 thuộc Đoàn 559 đảm nhiệm bến phà này. Đại đội có 125 người, lực lượng chủ yếu là bộ đội công binh và TNXP, phương tiện gồm ca nô và cầu phao, chủ yếu hoạt động từ 7 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Ban ngày tránh máy bay địch, tháo dỡ phà cho ca nô kéo vào trú ẩn trong động Phong Nha. Vũ khí đạn dược có khi cũng tập kết cất giữ luôn trong đó.

 

Nhận thấy phà Xuân Sơn trên quốc lộ 15A có vị trí chiến lược quan trọng, giặc Mỹ đã tập trung đánh phá hết sức ác liệt cả ngày lẫn đêm nhằm nung chảy cái yết hầu của vùng “cán xoong”, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Bao đồng đội đã hy sinh, bao chuyến hàng bị cháy nhưng ý chí của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 16 vẫn vững vàng. Năm 1967, Binh trạm quyết định mở thêm bến phà B mang tên Nguyễn Văn Trỗi, nhằm noi theo tấm gương anh hùng bất khuất trước kẻ thù của anh. Đảng ủy, chi bộ lựa chọn những người ưu tú, gan dạ và dũng cảm, dám hy sinh để trực và chiến đấu trên bến phà này. Bến phà B cách bến phà A chừng 4km về phía thượng nguồn và cách cửa động Phong Nha khoảng 1km, như vậy vừa dễ “chia lửa” vừa gần hang, cơ động nhanh hơn...

Không quân Mỹ tìm mọi cách để ném bom hủy diệt bến phà A và B. Riêng tại bến phà Nguyễn Văn Trỗi, ngoài bom tấn bom tạ chúng còn thả nhiều thủy lôi cùng các loại bom nổ chậm tinh vi và nguy hiểm khác. Đơn vị thành lập “Đội cảm tử” thường xuyên rà phá bom nổ chậm để thông phà, thông xe. Không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh trên khúc sông này, máu của các chiến sĩ Đại đội 16 hòa vào dòng sông Son đỏ thắm...

 

Cha Lo- Cổng trời

 

  Đây là điểm di tích lịch sử cách mạng nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh (tuyến đường 12 A), thuộc khu vực xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa.

 

Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại

 

Quảng Bình là một trong những điểm xuất phát quan trọng nhất của hệ thống đường 559 (đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh), tuyến vận chuyển quan trọng nhất chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

 

Trong toàn bộ tuyến đường Trường Sơn thì không gian khó khăn nhất, gian khổ nhất, kỳ công nhất, quyết liệt nhất, hy sinh nhiều nhất và lập nhiều thành tích lớn nhất là cụm cửa khẩu vượt Trường Sơn phía Tây Quảng Bình, gồm các con đường 12, 20, 10, 16, 18 mà điểm xuất phát của chúng đều từ đường 15A trước đây ( Đường Hồ chí Minh nhánh phía Đông hiện nay), tỉnh Quảng Bình. Những địa danh quen thuộc như Khe Ve, ngầm Rinh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại (đường 15), Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời (đường 12A), Trà Ang, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích (đường 20)... là những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của toàn tuyến, trong đó cụm A.T.P là khốc liệt nhất. Trong quá trình 16 năm tồn tại của đường Trường Sơn (1959-1975), tất cả các loại đường từ gùi, thồ của buổi ban đâù của Đoàn 559 đến đường giao liên đi bộ, đường cơ giới, đường sông, đường ống xăng dầu và cả đường hàng không đều có mặt tại Quảng Bình, nơi thể hiện rõ nhất cái gọi là “Trận đồ bát quái” trong rừng rậm. Cùng với sự đổi mới của đất nước, đường Hồ Chí Minh với hai nhánh Đông và Tây đi qua Quảng Bình đã hoàn thành.

 

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20

 

Nằm cạnh hang “Tám Cô”, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 là nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương để giữ gìn mạch máu giao thông phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Địa đạo Văn La

 

Từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đi về phía Nam 7km, có biển lớn hướng dẫn cắm sát đường quốc lộ 1A chỉ đường cho du khách theo con đường nhỏ về phía tay phải chừng 1km, khách sẽ đến được khu "Địa đạo Văn La".

Văn La là thủ phủ của huyện Quảng Ninh, có phà Quán Hàu, có quốc lộ 1A đi qua, vì thế trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây bị bom đạn Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt.

Địa đạo Văn La là địa đạo đầu tiên và duy nhất ở tỉnh Quảng Bình, là một công trình lao động sáng tạo, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của Đảng bộ và nhân dân xã Lương Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Hang Tám Cô

 

Hang “ Tám Cô” (hay còn gọi là hang Tám Thanh niên Xung Phong) nằm ở km 16 + 500 trên cung đường 20- một phần của đường Trường Sơn huyền thoại.           

  Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy ác liệt, sự hy sinh anh dũng của tám TNXP đang độ tuổi đôi mươi tại hang đá này đã trở thành biểu tượng cao cả cho lòng yêu nước. Ngày nay, hang “ Tám Cô” là điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách du lịch thập phương.

Tượng đài Mẹ Suốt

 

  Mẹ Suốt, tên thật là Nguyễn Thị Suốt (1908- 1968) quê xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, là nữ anh hùng Lao động trong chiến tranh chống Mỹ, người đã chèo đò đưa bộ đội, thương binh, vũ khí qua sông Nhật Lệ dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù trong những năm 1964- 1967 khốc liệt.

 

Miếu Nam Lãnh

 

Miếu Nam Lãnh là di tích lịch sử đã được Sở Văn hoá Thông tin Quảng Bình công nhận năm 2002. Đây là nơi thờ, tế lễ những người có công lập làng và những vị thần bảo hộ cho làng.

Quần thể di tích Miếu Nam Lãnh được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, miếu nằm ở lưng chừng trên một vùng đất nhô cao mà nhân dân ở đây thường gọi là Lòi Trọc, thuộc địa phần thôn Nam Lãnh – xã Quảng Phú - huyện Quảng Trạch - Tỉnh Quảng Bình. Miếu nằm quay mặt về hướng Đông – Nam. Toàn bộ khuôn viên miếu rộng 480m2. Từ ngoài vào gồm: Cổng, miếu thứ nhất bên trái, bức bình phong, miếu thứ hai bên trái, miếu chính và miếu thứ tư bên phải..

 

Đèo ngang - Hoành Sơn Quan

 

Đèo Ngang nằm trên dãy núi Hoành Sơn, một mạch núi của dãy Trường Sơn chạy ngang ra biển. Trên đỉnh Đèo Ngang có Hoành Sơn Quan được xây dựng dưới thời Minh Mạng thứ 14(1833). Dưới chân đèo là đền Công Chúa Liễu Hạnh. Cảnh quan nơi đây thật hữu tình, là nguồn cảm hứng bất tận của biết bao thi nhân xưa và nay.

 

Bến Phà Gianh

 

Di tích Lịch sử bến phà Gianh nằm ở hạ Lưu sông Gianh, cách cửa biển về phía tây 2 km (bến phà I) và 5 km (bến phà II). Với vị trí địa lý như vậy, đến với di tích bến phà Gianh bằng đường bộ hoặc đường thủy đều thuận lợi. Trên quốc lộ 1A, bến phà Gianh ở tại km 625 + 500, cách Hà Nội 462 km về phía Nam, cách tỉnh lỵ Quảng Bình 34 km về phía Bắc. Đi bằng đường thủy, từ cửa biển vào sông Gianh, ngược về phía thượng nguồn từ 2 đến 7 km là có thể ghé thuyền thăm di tích.

 

Đền Công chúa Liễu Hạnh

 

Đền nằm dưới chân núi Đèo Ngang, ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc - Nam trước đây, phía sau đền là dãy Hoành Sơn, ngay trước mặt là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, mặt đền quay hướng Nam cũng là hướng biển.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt cũng như một số dân tộc anh em, việc tôn thờ nữ thần, thờ Mẫu là một hiện tượng khá phổ biến và có căn nguyên lịch sử xã hội sâu xa.

Việc coi trọng phụ nữ, coi trọng vai trò người mẹ, người vợ ở nước ta, một truyền thống tất đẹp và có sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian. Chính là cơ sở chính trị và xã hội, cơ sở tinh thần và tâm linh, đã hình thành và phát triển tục thờ nữ thần, tục thờ các bà mẹ, các Mẫu, một tục có từ thời Văn Lang, Âu Lạc và còn truyền lại cho đến ngày nay, chính là tục thờ thần của người Việt cổ.

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.  Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang có diện tích khoảng 335m2. Từ đường thiên lý Bắc - Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu.

 

Ngày đăng: 23/09/2014
Lượt xem: 0
Top

Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ:

Mr Dung
0979765119



Danh mục bài viết

Quý khách có thể trực tiếp liên lạc tại phòng vé